Dự án đường sắt đô thị Hà Nội thuộc dự án giao thông trọng điểm. Với những “kỷ lục” về chậm tiến độ; phát sinh, tăng mức đầu tư; gây cản trở, ách tắc giao thông và những vụ tại nạn nghiêm trọng “từ trên trời” xảy ra liên tiếp, dự án này đang trở nên tai tiếng, thành nỗi ám ảnh người dân…

Sau những sự cố nghiêm trọng xảy ra vào cuối năm ngoái trên công trường xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, những tưởng người đứng đầu các đơn vị thi công và cơ quan liên quan đến công trình trọng điểm này sẽ nghiêm khắc có bài học xương máu nằm lòng, để đảm bảo tuyệt đối an toàn, đảm bảo tiến độ công trình. Nhưng thực tế những gì xảy ra trong 2 ngày 10 và 12/5 vừa qua trên công trường xây dựng này, cho thấy không phải như vậy, tai nạn do ý thức chủ quan vẫn xảy ra.

sap_can_cau_1_hrmb.jpg
Hiện trường vụ sập cần cẩu dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên đường Cầu Giấy
Thực trạng này nói lên điều gì? Một là những mệnh lệnh, chỉ thị và cả cách xử lý của lãnh đạo ngành giao thông vận tải và thành phố Hà Nội vừa rồi có vẻ không mấy hiệu lực, không đem lại hiệu quả tích cực; cấp trên chỉ thị, chấn chỉnh quyết liệt, nhưng cấp dưới gọi là có tiếp thu sâu sắc, rồi để đó, tai nạn vẫn tiếp diễn. Hai là, các đơn vị thi công và Ban quản lý dự án vẫn chưa có chuyển biến tích cực, việc thi công vẫn ì ạch, rềnh rang; các quy định, quy trình bảo đảm giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường vẫn bị vi phạm; tai nạn, sự cố vẫn xảy ra. Ba là, việc điều tra, xử lý trách nhiệm sau mỗi vụ tai nạn chưa thật sự nghiêm túc, chưa quy rõ trách nhiệm cụ thể và chưa xử lý nghiêm minh, chưa có tính cảnh báo, răn đe.  

Tai nạn liên quan đến an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng không vụ nào giống vụ nào. Nếu sau mỗi vụ tai nạn xảy ra, chỉ tập trung vào rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả, dàn xếp bồi thường, thậm chí chạy chọt, che dấu thông tin, thì chắc chắn sẽ không bao giờ khắc phục tận gốc tai nạn, nguy cơ thảm họa vẫn tái diễn. Cái gốc của hầu hết các vụ tai nạn, thảm họa đều do ý thức chủ quan của con người.

Vì lợi nhuận, bớt xén quy trình về an toàn lao động; đội ngũ lao động chắp vá, thiếu chuyên nghiệp; thiết thị máy móc thi công lạc hậu, cũ nát; việc giám định, giám sát, thanh tra làm qua loa, chiếu lệ; khi sự cố xảy ra thì xử lý nửa vời; người đứng đầu các đơn vị liên quan quan liêu, thiếu trách nhiệm…đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn lao động tái diễn, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Những gì đã và đang diễn ra trên công trường xây dựng công trình đường sắt đô thị Hà Nội là ví dụ điển hình về tình trạng này.

Đất nước đang trong giai đoạn phát triển không thể không đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị. Một khi đầu tư xây dựng giao thông đô thị thì đương nhiên, người dân cũng phải biết chấp nhận những khó khăn trở ngại trước mắt để hưởng lợi lâu dài. Nhưng, những hệ lụy mà công trình xây dựng đường sắt trên cao ở Thủ đô Hà Nội gây ra, đang trực tiếp tác động tiêu cực đến cộng đồng, xã hội, lại ở mức độ nghiêm trọng, không thể chấp nhận. Báo chí đã gọi đây là “dự án tai tiếng”, “hiểm họa từ trên trời”, “thi công theo kiểu khủng bố”...

Sau ba vụ tai nạn xảy ra trong ngày 10 và 12/5, đồng thời với việc giải quyết, khắc phục hậu quả, thì dứt khoát phải làm rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh và công khai trước công luận. Không chỉ là nhắc nhở, phê bình; không chỉ là luân chuyển hay cách chức, mà cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự. Sức khỏe, tính mạng con người, tài sản nhà nước, tiền bạc của dân, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội bị đe dọa, xâm hại, thì không thể chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc”kiểu khơi khơi và vô cảm, để rồi sau đó đâu lại vào đó.

Các công trình, dự án trọng điểm vì sự phát triển của đất nước, đừng bao giờ là dự án tai tiếng!./.