Tại phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu một trong những nhiệm vụ tiếp theo của Ban Chỉ đạo là kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước. Sau hàng loạt vụ kỷ luật cán bộ từ Đại hội XII của Đảng đến nay, trong đó có 56 người thuộc diện Trung ương quản lý, thì đây là nhiệm vụ cấp thiết. Bởi, có làm tốt các khâu này mới dẹp được nạn tham nhũng, tha hoá, tiêu cực trong bộ máy chính trị; mới giữ vững kỷ cương trong công tác cán bộ; mới tạo động lực đổi mới trong sự nghiệp phát triển đất nước.

phien_hop_14_hshi.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng
Những câu chuyện luân chuyển cán bộ kiểu “tráng men”; bổ nhiệm cán bộ thần tốc, siêu thần tốc; chọn người nhà không chọn người tài; bổ nhiệm “thiếu trong sáng” được phát hiện và nhắc tới nhiều kể từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng. Chẳng thế mà, trong 5 năm, trong hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, có tới 56 người thuộc diện Trung ương quản lý. Chẳng thế mà, chỉ 7 tháng qua, có 235 đảng viên bị thi hành kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái; 30 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. 

Người dân đồng tình, hoan nghênh trước việc làm công minh, kiên quyết của Đảng với mục đích cao nhất là làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng chính phủ kiến tạo và liêm chính; củng cố niềm tin của dân; phát triển đất nước. Người dân nức lòng trước quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, “không có vùng cấm, không ai được đứng ngoài luật pháp, đứng trên luật pháp” với những cái tên, những người tưởng chừng không ai “dám” sờ tới, nhưng đã bị xử lý kỷ luật, bị pháp luật trừng trị. Người dân cũng tin tưởng rằng, sự dũng cảm của Đảng không chỉ chấn chỉnh đội ngũ, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm mà còn dám nhìn thẳng vào những khiếm khuyết để sửa chữa, để giữ uy tín, thanh danh cho Đảng, để đảm bảo có một đội ngũ cán bộ đảm nhận mọi chức vụ được uỷ thác.

Khiếm khuyết ấy là lơi lỏng kỷ luật kỷ cương của Đảng; là thiếu kiểm tra, kiểm soát cán bộ; là hao mòn ý chí đấu tranh tự phê bình và phê bình; là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo ra nhiều lỗ hổng trong quản lý, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Chính những khiếm khuyết ấy, lỗ hổng ấy đã làm hư hỏng một bộ phận cán bộ, đảng viên, một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, một số người nắm giữ vị trí trọng yếu trong bộ máy quản lý Nhà nước; gây bức xúc trong dư luận, gây mất niềm tin nghiêm trọng trong cán bộ, đảng viên; ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh chính trị của Đảng.

Chưa thể hết thắc mắc trong nhân dân khi người nọ, người kia kết quả công việc không nổi trội, thậm chí thiếu năng lực, thiếu uy tín lại được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí này, vị trí khác. Chưa thể hết nghi ngờ khi có cán bộ lãnh đạo chỉ sau thời gian ngắn được luân chuyển, mới chỉ trong giai đoạn “tìm hiểu” đã được quay về và được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, ở vị trí quan trọng hơn. Cũng không thể không đặt câu hỏi, vì sao cán bộ đã từng vi phạm kỷ luật ở đơn vị này lại luân chuyển sang đơn vị khác hoặc từ cơ sở lên Trung ương, từ Trung ương lại về cơ sở? Có chuyện “đi đêm”, “đổi chác” ở đây không? Có chuyện “lợi ích nhóm” không? 

Những bài học đau xót về công tác cán bộ như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Minh Hoàng, Vũ Đức Thuận, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng và nhiều trường hợp khác nữa, đã cho thấy sự tha hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng trong luân chuyển đề bạt cán bộ. 

Vậy nên, yêu cầu kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là rất cần thiết, cấp bách và hệ trọng. Một lần nữa, Đảng ta nêu quyết tâm thanh lọc đội ngũ, loại bỏ những người không xứng đáng, để củng cố vai trò của Đảng; để chứng minh rằng, Đảng ta công minh-chính trực, thực sự không có vùng cấm, không có một ngoại lệ nào; để nhân dân có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào đội ngũ cán bộ liêm chính trong nền công vụ kiến tạo, tận tụy, trong sạch./.