Nghiên cứu để tiếp tục đổi mới là điều mà Tổng thư ký, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh trong buổi họp báo trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

binh_luan_1_rvlz.jpg
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ có nhiều đổi mới
Đổi mới để thấy rõ trách nhiệm, vai trò của từng đại biểu Quốc hội; đổi mới để không khí nghị trường sôi động với tranh luận đa chiều trước những vấn đề quan trọng của đất nước hay khi ban hành các điều Luật để tìm ra tiếng nói chung.

Điều quan trọng là những tranh luận ấy sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến với cử tri. Một Quốc hội tranh luận và mở sẽ được thực hiện tại kỳ họp này.   Sự đổi mới ấy được thực hiện từ những điều nhỏ nhất, đó là tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu Quốc hội không được nhận lời mời tiệc tùng của các cơ quan, đơn vị trong kỳ họp. Một việc tưởng chừng đã thành thói quen này được nhắc nhở và yêu cầu chất dứt. Điều này được đưa ra, trong bối cảnh tại kỳ họp này sẽ có một nội dung quan trọng, đó là lấy phiếu tín nhiệm của các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. 

Bởi, nhiều khi tại các cuộc nhậu nhẹt, tiệc tùng ấy sẽ là cơ hội để ai đó thực hiện việc riêng tư, mờ ám. Và đây cũng là cách để các đại biểu Quốc hội thực hiện việc nói đi đôi với làm. Vấn đề này sẽ được Quốc hội nhắc nhở các đại biểu thường xuyên. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 9,5 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, chiếm tỷ lệ gần 40% tổng thời gian của kỳ họp để xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. 

Dự kiến sẽ có 15 buổi thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, chiếm tỷ lệ khoảng 32% tổng thời lượng kỳ họp. Đây là một trong những kỳ họp có nhiều phiên làm việc được truyền hình trực tiếp nhất. Điều này minh chứng cho việc Quốc hội đang dần thể hiện là một Quốc hội mở, minh bạch và thẳng thắn với cử tri. 

Tăng thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp sẽ tạo cơ hội cho cử tri giám sát ngược lại các đại biểu mà mình bầu ra có thực sự nói tiếng nói của cử tri hay không; tạo cơ hội cho cử tri nắm được những bất cập, khó khăn trong quá trình thực thi các điều luật; tạo cơ hội để cử tri thấy rõ các tư lệnh ngành có nắm chắc lĩnh vực mà mình phụ trách hay không? Nhất cử, nhất động của các đại biểu với các thành viên của Chính phủ sẽ được cử tri nghe, quan sát trực tiếp. 

Công tác giám sát cũng được từng bước đổi mới. Sau khi nghe các báo cáo chuyên đề, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn theo cách thức đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ nào thì người đó phải trả lời, và duy trì cách thức đổi mới trong chất vấn: “hỏi 1 phút, trả lời 3 phút, tranh luận lại 2 phút”.

Có thể nói với hình thức chất vấn này, nghị trường sẽ nóng hơn bao giờ hết, còn cử tri lại mong chờ nhất. Nóng bởi những câu hỏi, vấn đề bức xúc của người dân sẽ được đặt ra cho các thành viên của Chính phủ. Nóng bởi, những bức xúc của người dân sẽ được người cao nhất của từng lĩnh vực trả lời trực tiếp. Điều này không phải lúc nào người dân cũng cơ hội được nghe. Nóng bởi, sự đối phó hay lúng túng của người trả lời chất vấn sẽ được bộc lộ trực tiếp.   

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này, đó chính là việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm. Điều này một lần nữa khẳng định, chất vấn là một trong những hình thức đánh giá khả năng, năng lực của tư lệnh ngành rõ nhất, trực diện nhất. 

Những lá phiếu của đại biểu sẽ thay dân đánh giá năng lực, phẩm chất của người thực thi nhiệm vụ. Sự thay dân ấy phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn xác và hơn bao giờ hết phải công tâm, không nể nang, vụ lợi.

Có thể nói, mỗi kỳ Quốc hội họp đều có sự đổi mới, đổi mới để phù hợp với tình hình thực tế, đổi mới để các đại biểu ý thức được trọng trách của mình hơn, đổi mới để gần dân hơn, đó cũng là việc mà cử tri mong chờ nhất./.