Mấy ngày vừa qua, dư luận cả nước lại rộ lên thông tin ông Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình mang 11 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đi nhờ một cá nhân xin vốn tài trợ của nước ngoài để bảo vệ rừng. Việc làm này cho thấy cách hành xử tùy tiện của những người được nhà nước giao quyền quản lý di sản, đồng thời gây nên sự hoài nghi có hay không hành vi trục lợi cá nhân núp bóng việc xin vốn bảo vệ rừng.
Theo phản ánh của dư luận, từ năm 2011, ông Lưu Minh Thành - Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng - Di sản thiên nhiên thế giới ở Quảng Bình đã mang 11 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với gần 123 nghìn ha rừng của Vườn quốc gia giao cho một người phụ nữ ở thành phố Đồng Hới, mà ông tin là có mối quan hệ với nhiều cán bộ trung ương, nhiều tổ chức nước ngoài, có khả năng xin được nguồn vốn hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tỉ đồng hỗ trợ không hoàn lại phục vụ cho việc bảo vệ và phát triển rừng.
Vì sao khi được giữ vị trí cao nhất của cơ quan quản lý khối tài sản đặc biệt của quốc gia, lại là một Di sản thiên nhiên thế giới, ông Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng lại không thông qua các cơ quan quản lý cấp trên để xin hỗ trợ vốn bảo vệ phát triển rừng, mà lại phải nhờ qua tay một người phụ nữ, để rồi khi sự việc vỡ lỡ ra, thì ông cũng không biết người phụ nữ ấy có phải là đại diện cho Công ty TNHH phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, đơn vị làm dịch vụ môi giới hay không?
Có lẽ vì quá nóng lòng với nguồn vốn được vẽ ra mà ông Lưu Minh Thành đã bỏ qua những nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý và sử dụng khối tài sản mà nhà nước đã giao cho mình quản lý. Nên việc giao nhận 11 sổ đỏ của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ được xác định bằng một tờ giấy biên nhận sơ sài, không ghi chức vụ ai và cũng không đóng dấu.
Kết quả là sau hơn 2 năm với bao lần hứa hẹn, đến giờ, vẫn chưa thấy đồng vốn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài như người phụ nữ này đã hứa. Mà 11 sổ đỏ của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng chưa được trả lại như đã cam kết là trong vòng 6 tháng.
Nhớ lại cách đây không lâu, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) và hiện đang là Giám đốc Vườn Quốc gia Yor Đôn (Đắc Lắc) cũng đã cầm sổ đỏ cả 2 Vườn quốc gia để xin nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ bảo vệ rừng thông qua Công ty Tư vấn- Dịch vụ- Đầu tư phát triển đất Lam Hồng Việt, trụ sở ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Hậu quả là vốn đâu chẳng thấy, cuối cùng đơn vị phải mất tiền tỉ cho tổ tư vấn lập hồ sơ dự án.
Đã là Vườn quốc gia, là Di sản thiên nhiên thế giới, tất nhiên là có qui chế nghiêm ngặt để quản lý, bảo vệ và khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo rà soát lại qui trình thủ tục, kiểm điểm việc làm này của những ông Giám đốc Vườn quốc gia. Nhưng dư luận cũng đặt câu hỏi: Vì sao họ lại tùy tiện trong việc sử dụng giấy tờ có giá trị của cơ quan như vậy? /.