Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thanh tra giá sữa của 5 doanh nghiệp lớn trên thị trường Việt Nam. Không bất ngờ khi phát hiện hầu hết các doanh nghiệp đều tăng giá vô lý, có những mặt hàng tăng tới 30%. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng công bố xử phạt những sai phạm này. Thế nhưng, sau kết luận của thanh tra, thị trường sữa vẫn đâu vào đấy, các doanh nghiệp tiếp tục đòi tăng giá, thậm chí có doanh nghiệp lách luật để tăng giá.

Sau kết luận Thanh tra, Bộ Tài chính – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý giá sữa hết kêu gọi, lại yêu cầu 5 doanh nghiệp sữa lớn chấn chỉnh toàn thị trường, chấp hành nghiêm Luật giá. Song, giá sữa trên thị trường không giảm, thậm chí, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A, nhà phân phối độc quyền các sản phẩm sữa Abbott (Hoa Kỳ) có văn bản gửi Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, đề nghị tăng giá 5%. Điều đáng bàn là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A có văn bản xin tăng giá sữa đúng thời điểm khi Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế và giá tại 5 doanh nghiệp sữa có thị phần lớn nhất cả nước, trong đó có chính Công ty này. Kết quả thanh tra, kiểm tra chỉ rõ, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A đã chi quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị vượt mức quy định 69 tỷ đồng, kê khai thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền gần 1,9 tỷ đồng.

Chưa hết, khi Bộ Tài chính chuẩn bị thực hiện biện pháp quản lý trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/6 tới để đối phó với tình trạng tăng giá sữa, thì một số doanh nghiệp sữa đã bắt đầu lách luật, áp dụng chiêu ra sản phẩm mới, ngưng bán sản phẩm cũ, giảm trọng lượng lon sữa… Động thái này thực chất là tăng giá sữa gián tiếp để đối phó với biện pháp áp giá trần của cơ quan chức năng. Câu chuyện lại trở về vị trí xuất phát đó là: kiểm soát giá sữa thuộc về trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý. Buộc phải tăng cường thanh tra đối với những hoạt động, hành vi sai phạm, chế tài xử phạt cũng phải thật sự nghiêm và công bố rõ ràng. Thế nhưng, đây lại là điểm yếu cố hữu khi mà từ lâu đã có tình trạng thanh tra vào cuộc rầm rộ nhưng xử phạt thì quá nhẹ. Và, rồi thị trường lại vẫn như… nguyên.

Câu hỏi, tại sao chúng ta không quản lý được giá sữa. Có quá nhiều nguyên nhân có thể kể ra như bất cập từ quản lý, hệ thống phân phối, kiểm soát thị trường… Song người ta vẫn chú ý đến câu chuyện, đã từ rất lâu, cơ quan quản lý gần như bất lực khi không bóc tách và quản lý được các yếu tố cấu thành trong cơ cấu giá sữa như: giá nhập, thuế, chiết khấu hoa hồng, chi phí quảng cáo… Thêm nữa, thị trường đang có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhập khẩu sữa, ước khoảng 200 doanh nghiệp, đó là chưa đến mỗi doanh nghiệp này có hàng chục mặt hàng, chủng loại sữa khác nhau.

Câu chuyện tăng giá sữa đang khúc mắc chủ yếu nằm ở chỗ chi phí quảng cáo. Đã có một chuyên gia trong ngành hé lộ thông tin, mỗi năm, ở một vài doanh nghiệp sữa lớn có thể chi hàng nghìn tỷ đồng cho quảng cáo. Tất nhiên, tất cả chi phí đó sẽ được bổ vào giá thành sữa. Một chuyên gia trong ngành nhận định, giá sữa tại Việt Nam bị đẩy lên cao từ 400 – 500% so với giá gốc là quá phi lý song các Bộ vẫn chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, mà trong rất nhiều trường hợp không bắt buộc được các doanh nghiệp phải giảm giá sữa ngay lập tức.

Sự bất lực của cơ quan quản lý còn được minh chứng khi những năm gần đây, giá sữa cứ tăng 4 – 5 lần mỗi năm. Thống kê cho thấy, từ năm 2007 cho đến nay, sữa đã tăng giá 30 lần, mỗi lần tăng từ 3 – 20%, mà không giảm lần nào, kể cả khi Luật Giá đã thực thi từ lâu. Trong câu chuyện tăng giá sữa, từ lâu người ta vẫn thiếu bóng dáng của nhiều Bộ, ngành liên quan. Phải chăng, các hãng sữa nước ngoài vẫn “nhờn” với mọi biện pháp quản lý hay vì chính cơ quan quản lý không đủ kiên quyết?

Thủ tướng Chính phủ đã từng yêu cầu làm rõ giá sữa, Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề giá sữa. Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực thi nghiêm túc trách nhiệm của mình để người tiêu dùng không còn “bị móc túi” vì giá sữa./.