- Chủ tịch nước gặp đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ
- Chủ tịch nước tới Bangalore bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Ấn Độ bắt đầu từ 11-14/10 nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cho quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Để quan hệ tốt đẹp đó đi vào chiều sâu, rất nhiều cơ hội hợp tác mới giữa 2 nước được kỳ vọng sẽ mở ra sau chuyến thăm này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam tới sân bay Bangalore bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ |
Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối giao lưu lịch sử về văn hóa, thương mại. Mối quan hệ gắn bó giữa 2 dân tộc được 2 nhà lãnh đạo kiệt xuất của 2 nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J.Neru tạo dựng và các thế hệ dày công vun đắp. Đến năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược, như là “trái ngọt” được gặt hái sau 35 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Từ đó đến nay, quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng được thúc đẩy theo hướng hiệu quả, sâu sắc và thực chất hơn. Điều đó thể hiện trước tiên ở mối quan hệ chính trị tốt đẹp mà hai nước không ngừng củng cố, thông qua các chuyến thăm cấp cao song phương. Cùng với đó, hợp tác Việt - Ấn trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tài chính, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ... đang được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế - thương mại cũng tô thêm những gam màu tươi sáng trong bức tranh quan hệ Việt - Ấn. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt hơn 2,7 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2011 đạt 1,8 tỷ USD. Mức tăng trưởng trao đổi thương mại luôn đạt 20 - 30% trong những năm gần đây là cơ sở để 2 nước đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch 2 chiều lên 5 - 6 tỷ USD vào năm 2015.
Về đầu tư, Ấn Độ hiện có 47 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 206 triệu USD, đứng thứ 27/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ đang đầu tư hiệu quả vào Việt Nam trong các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp ôtô, thép, dầu khí, năng lượng, đồng thời họ cũng đang bày tỏ mối quan tâm tới các lĩnh vực khác như hàng không và du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ kinh tế thương mại vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng to lớn giữa 2 nước. Từ những thông tin đăng tải trên báo chí Ấn Độ nhân dịp đón chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, có thể thấy rằng, các chuyên gia Ấn Độ đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam từ “vị trí địa lý thuận lợi”, cho tới “tốc độ tăng trưởng ấn tượng”. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ MK Rasgotra khẳng định rằng: “Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong khu vực biển Đông”, trong khi Cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Leena Ponappa thì nhận định: Quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam được dựa trên “nền tảng các niềm tin chung”.
Cùng chung quan điểm về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các vấn đề an ninh và phát triển, hai bên luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam với tư cách là thành viên của ASEAN, ASEM và hợp tác Đông Á có thể đóng vai trò cầu nối trong việc mở rộng quan hệ Ấn Độ với các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như khủng hoảng kinh tế tài chính, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, mất an ninh lương thực, an ninh hàng hải... việc Ấn Độ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn là tất yếu để cùng vượt qua thách thức. Vì thế, chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để doanh nghiệp 2 nước cùng “bắt tay nhau” để đẩy lùi những khó khăn trước mắt cũng như trong tương lai. Hai bên cũng dự định ký kết nhiều văn kiện hợp tác như Hiệp định dẫn độ tội phạm; Biên bản ghi nhớ về Năm hữu nghị Việt - Ấn; Chương trình hành động về nông nghiệp, Chương trình Giao lưu văn hóa Việt - Ấn giai đoạn 2011-2013.
Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra vào giai đoạn “bản lề” của những sự kiện quan trọng giữa 2 nước. Hai nước đã nhất trí lấy năm 2012 là “Năm hữu nghị Việt - Ấn” để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Hy vọng rằng với tình bạn truyền thống mạnh mẽ và lâu đời, cùng với sự gần gũi về văn hóa và nhận thức về thời đại, những nỗ lực chung mới của Việt Nam và Ấn Độ sẽ không những đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước, mà còn đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên toàn thế giới./.