- Đầu ra cho nông sản - cần một cuộc cách mạng
- Nông dân có thể “điều tiết” giá thị trường!
- Chế biến nông sản - Ai nuôi nguồn nguyên liệu?
Chính vụ vải thiều Thanh Hà mới bắt đầu rộ mà giá bán loại trái cây này thì gần như đã chạm đáy. Một vụ vải bội thu lại khiến nhà vườn lao đao và nỗi băn khoăn giờ chỉ xoay quanh câu chuyện: trồng hay chặt loại trái cây này khi mà đến vụ thu hoạch nhà nông chỉ còn biết lặng nhìn trái chín rụng ngoài vườn, còn hơn bỏ công thu hái. Trường hợp cây vải đang phản ánh thực tế tình cảnh nhà nông vẫn luôn phải đương đầu: Được mùa - mất giá!
Giá bán tại vườn chỉ có 1.000 - 2.000 đồng/kg, vải thiều đành ngậm ngùi chịu cảnh chín rụng vì chủ vườn thấy không bõ công thu hái. Cây vải nhiều năm nay đều trong cảnh phập phù lên - xuống thất thường và điều đáng buồn hơn là cứ năm nào “không may” được mùa thì số phận quả vải lại bèo bọt như vậy!
Không chỉ quả vải, rất nhiều loại nông sản khác cũng lâm vào vòng luẩn quẩn: “mất mùa được giá, được mùa rớt giá” như vậy! Câu chuyện tưởng đùa song với người nông dân lại là sự thật. Chỉ khi nào mất mùa thì nông sản khi ấy mới lấy lại đúng giá trị của nó. Và như vậy mất mùa xem ra lại là may mắn của nhà nông! Bội thu không còn là tín hiệu vui nữa, mà chứa đựng trong đó là nỗi lo lắng về sự bất ổn giá cả khi thu hoạch.
Ai cũng biết nông sản, đặc biệt trái cây là loại cây trồng mùa vụ, việc dội chợ vào thời điểm thu hoạch rộ là khó tránh khỏi. Vấn đề là giải bài toán thu hoạch này ra sao để người nông dân đỡ thiệt thòi khi chăm cây chờ ngày hái quả, lại phải chấp nhận cảnh hẩm hiu.
Nhiều năm qua đều cho thấy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam thiếu tính chiến lược. Người sản xuất cũng chỉ nhìn được cái lợi trước mắt, ngắn hạn. Và dĩ nhiên, nếu ăn may, nhiều người cũng có thể hồ hởi kiếm được thêm vài vụ giá cao và thu lãi lớn. Song sản xuất như vậy luôn tiềm ẩn rủi ro và thiếu tính bền vững!
Cho đến giờ, nông sản Việt Nam luôn phải chịu thiệt thòi “kép” cả về thiên tai lẫn thị trường. Thật hiếm hoi cho những vụ sản xuất được mùa, được giá! Ở một nước nông nghiệp song sản xuất cho đến giờ vẫn theo kiểu “ăn may” và việc chấp nhận rủi ro đối với nhà nông như câu chuyện đương nhiên phải vậy!
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nhà nông không có lỗi trong chuyện này, bởi chính họ nhiều khi cũng sản xuất chạy theo phong trào. Thiếu thông tin thị trường, chưa có định hướng trong sản xuất đã khiến họ luôn ở thế bị động, việc tính toán làm ăn càng trở nên khó khăn hơn. Cho đến nay, các nhà máy chế biến nông sản vẫn chưa có sự gắn kết với người sản xuất nguyên liệu. Mà sự gắn kết này chỉ có được khi “miếng bánh lợi nhuận” được phân chia hài hoà và công khai trên cơ sở cùng có lợi, hướng tới một mục tiêu chung.
Vẫn biết, nếu ngay từ đầu vụ, một hợp đồng hay thoả thuận hợp lý về giá cả và chất lượng sản phẩm giữa người sản xuất và đơn vị chế biến được ký kết, rõ ràng nông sản sẽ không bị cảnh ế ẩm, bèo bọt như quả vải vừa qua. Song tiếc rằng, cái lợi ấy dường như cả doanh nghiệp cũng như nhà nông lại không tận dụng cơ hội nắm lấy, hay nói đúng hơn cả hai phía đều chưa suy tính đến một phương thức làm ăn có tính chuyên nghiệp và lâu dài.
Không thể đòi hỏi người nông dân có thể tự trang bị thông tin thị trường, tự chọn trồng cây gì, nuôi con gì, sản lượng bao nhiêu, chất lượng ra sao thì hợp lý. Do đó vai trò của nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và các cấp chính quyền trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Chỉ khi nào sản xuất nông nghiệp có chiến lược rõ ràng, có quy hoạch cụ thể cho từng vùng, miền, trên từng loại cây trồng, vật nuôi và gắn kết giữa sản xuất và chế biến, cũng như xâu chuỗi được khâu lưu thông thị trường, khi đó bài toán thu hoạch nông sản cho nông dân mới có lời giải thoả đáng và chỉ khi đó vấn đề bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp mới được hạn chế phần nào./.