Chính phủ vừa ra Nghị quyết số 41- nghị quyết chuyên đề đầu tiên về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Nghị quyết thể hiện tinh thần quyết tâm cao trong việc chống buôn lậu, góp phần lành mạnh hóa thị trường trong nước, chống thất thu ngân sách, bảo vệ sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.
thuoc_la_lau_bnak.jpg
Thuốc lá lậu cất giấu trong xe bồn bị lực lượng chức năng bắt giữ

Những năm qua, cùng với quá trình mở cửa hội nhập và phát triển, nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nền kinh tế. Nạn buôn lậu nhức nhối ở khu vực biên giới, hàng giả hàng nhái hoành hành, từ thành thị cho tới nông thôn, và thậm chí, khu vực nông thôn hiện đang là khu vực đầy tiềm năng để tiêu thụ các loại hàng giả, hàng nhái với chất lượng không được kiểm soát, từ thực phẩm, đồ dùng gia đình, cho tới các mặt hàng điện tử, xe máy…

Nghị quyết số 41 của Chính phủ đã chỉ rõ những nguyên nhân của sự yếu kém trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó, đã thẳng thắn chỉ ra các cơ quan chức năng có khi vì lợi ích cục bộ đã làm ngơ, buông lỏng quản lý và đấu tranh, một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đây là điều không thể chấp nhận đối với các cơ quan, lực lượng thực thi công vụ. Những điều mà trước nay, dư luận đã lên tiếng, đặt dấu hỏi với hàng loạt mặt hàng bị buôn lậu nhiều như xăng dầu, khoáng sản, đường ăn, thuốc lá, rượu ngoại... mà không bị phát hiện, như chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”!.

Sau việc kiện toàn Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại cấp trung ương (gọi tắt là ban 389) từ Ban chỉ đạo 127 trước đây, khoảng 1 năm trở lại đây đã cho thấy hiệu quả ban đầu về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Hàng loạt đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn bị bóc gỡ. Như vừa cách đây ít ngày, một vụ sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn bị phát hiện tại Hà Nội, cho thấy sự nhạy bén, vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an thành phố. Tinh thần “không có vùng cấm” trong chống buôn lậu đã được thể hiện rõ.

Nghị quyết 41 của Chính phủ nêu rất đầy đủ, chi tiết phần việc của các Bộ ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhìn vào đây, đã thấy được sự tập hợp lực lượng khá toàn diện, đầy đủ trong cuộc chiến cam go với các hành vi vi phạm pháp luật này. Và như vậy, có thể hiểu: Trách nhiệm của từng chủ thể là rất rõ ràng, nên sẽ bớt đi những kiểu nêu báo cáo chung chung để đổ lỗi cho thực tế quản lý yếu kém như “tình hình diễn biến phức tạp, lực lượng mỏng…”.

Nghe âm thanh tại đây: 

Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chuyên đề tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng, đòi hỏi lực lượng chức năng phải nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ phân tích và dự báo diễn biến xu hướng của các mặt hàng dễ bị vi phạm trong từng giai đoạn. Đây chính là giải pháp “trọng điểm” bên cạnh sự huy động “tổng lực” của toàn xã hội tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Sự kiện mới đây, Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu thuộc Bộ Công an được thành lập, được ví như tạo ra “quả đấm thép” trong “tổng lực” tấn công nạn buôn lậu.

Với tất cả những sự chuẩn bị, từ lực lượng, cho tới cơ chế như vậy, xã hội kỳ vọng - và đòi hỏi: chắc chắn sẽ phải có sự chuyển biến mạnh trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong năm 2015 này!./.