Ngày 25/9, Quốc vương Saudi Arabia, Abdullah bin Abdul Aziz đã công bố Sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này được tham gia bỏ phiếu và ứng cử trong các cuộc bầu cử địa phương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Saudi Arabia, phụ nữ được hưởng quyền bầu cử. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là niềm vui trọn vẹn của những người phụ nữ ở Vương quốc đạo Hồi này bởi những luật tục vốn đã ăn sâu, bám rễ từ nhiều đời nay đang khiến họ cần nhiều hơn sự quan tâm và quyền bình đẳng như mọi phụ nữ trên thế giới.

arab.jpg

Trong tương lai, phụ nữ Saudi Arabia sẽ có quyền bỏ phiếu và ra tranh cử  (Ảnh: AFP)

Trong bài phát biểu khai mạc khóa họp Hội đồng cố vấn Shura (Quốc hội) nhiệm kỳ mới và được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình Nhà nước, Quốc vương Abdullah cho biết, từ cuộc bầu cử địa phương năm 2015, phụ nữ ở Saudi Arabia sẽ có quyền ra ứng cử và lựa chọn các ứng cử viên. Ngoài ra, phụ nữ cũng sẽ được quyền tham gia Hội đồng cố vấn Shura từ nhiệm kỳ tới.

Quyết lệnh của Quốc vương Abdullah lập tức nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ. Suốt một thời gian dài vừa qua, họ đã đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ ở Saudi Arabia - nơi áp dụng luật Hồi giáo Sunni một cách rất nghiêm ngặt. Các ý kiến hoan nghênh đều cho rằng, đây là bước tiến bộ lớn đối với người dân, đặc biệt đối với phụ nữ ở Saudi Arabia.

Trên thực tế, từ năm 2009, Quốc vương Abdullah đã bổ nhiệm bà Norah al-Fayez làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Phát triển, trở thành phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào cấp bộ ở nước này. Phải ghi nhận rằng, kể từ khi Quốc vương Abdullah lên cầm quyền năm 2005, trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên, việc áp dụng luật Hồi giáo Sunni đã có nhiều thay đổi. Thế nhưng, theo quyết định mà Quốc vương Abdullah vừa ban hành, quyền bỏ phiếu và tham gia tranh cử của phụ nữ Saudi Arabia lại không được thực hiện ngay trong những cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra vào ngày 29/9 này mà phải đến cuộc bầu cử năm 2015. Và như vậy, phụ nữ Saudi Arabia sẽ phải chờ 4 năm nữa mới được thực hiện quyền bỏ phiếu và tranh cử của mình.

Chưa hết, điều mà những người phụ nữ đạo Hồi nói chung và ở quốc gia Saudi Arabia nói riêng mong đợi và sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng của mình, đó là quyền thực sự trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội và sinh hoạt hàng ngày. Theo luật Hồi giáo Sunni, phụ nữ bị hạn chế rất nhiều quyền. Họ không được phép lái xe hoặc đi ra ngoài mà không có người đi kèm. Họ phải che kín mặt khi ra đường và ở những nơi công cộng. Họ thường xuyên bị giám sát bởi cảnh sát tôn giáo, những người hưởng lương để xử lý những công dân vi phạm quy định của đạo Hồi trên các đường phố, siêu thị, trường đại học và những nơi công cộng… cùng nhiều luật lệ hà khắc khác.

Nhiều năm nay, Hoàng gia Saudi Arabia cũng từng tranh luận gay gắt về vai trò của phụ nữ trong xã hội, khiến nhiều lúc không khí chính trị khá căng thẳng. Kể từ khi Quốc vương Abdullah lên nắm quyền, nhờ chính sách đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, trình độ học vấn và thu nhập của phụ nữ ngày càng tăng, song họ vẫn không thể giành được các vị trí quan trọng trong xã hội và chưa được hưởng một trong những thành tựu quan trọng của nhân loại là kết quả của cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của phụ nữ trên khắp hành tinh.

Suốt 20 năm qua, nhiều tổ chức đã vận động Hoàng gia bãi bỏ những đạo luật hà khắc đối với phụ nữ. Bà Maha al-Qahtani, một phụ nữ làm việc trong Bộ Giáo dục - Phát triển Saudi Arabia từng phát biểu rất chân thực rằng: “Chúng tôi không đòi hỏi quyền tham gia chính trường, mà chỉ cần những quyền cơ bản. Phụ nữ Saudi Arabia muốn được đối xử công bằng như nam giới. Chúng tôi có nhiều vấn đề cần được giải quyết ngay lập tức”.

Cùng với Sắc lệnh mới về quyền bỏ phiếu đối với phụ nữ, người dân Saudi Arabia nói chung và phụ nữ Saudi Arabia nói riêng đang mong đợi nhiều hơn cho quyền bình đẳng của mình trong thời đại tiến bộ ngày nay./.