Đầu tuần tới, một hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Sự kiện này sẽ là dấu mốc quan trọng, nhìn lại công cuộc phòng chống tham nhũng trong nửa nhiệm kỳ qua, kể từ sau Đại hội XII của Đảng.

Có lẽ chưa bao giờ, cuộc chiến chống tham nhũng lại được nhắc nhiều như lúc này. Những gì diễn ra trong thực tiễn đã chứng minh rằng, cuộc chiến làm trong sạch đảng từ quyết tâm đến hành động là cả một quá trình, không phải lúc nào cũng thuận lợi, trơn tru.

tong_bi_thu_llor.jpg
Tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy" 
Lần đầu tiên, một Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố, xét xử, gây rúng động trong xã hội. Cơ quan kiểm tra Đảng đã mất gần 8 tháng để đưa vụ việc ra ánh sáng, để rồi các bước xử lý tiếp theo được tiến hành theo trình tự, luật định. Việc khai khai trừ đảng một Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị được ví như chặt một cái cành lớn trên một thân cây to, chỉ vì cái cành ấy bị sâu mọt, mục ruỗng mà nếu để nó tồn tại, những cành con rất dễ bị lây lan. 

Hơn hai năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng cũng loại bỏ cả những đại biểu Quốc hội bởi họ không xứng đáng với lá phiếu của cử tri, bởi để họ tồn tại ngày thì hình ảnh của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bị ảnh hưởng ngày đó. 

Không chỉ cán bộ đương chức, cán bộ cấp cao mà kể cả cán bộ đã nghỉ hưu cũng phải chịu trách nhiệm, cũng bị xử lý trước pháp luật vì hành vi tham nhũng. Những lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” như công an, quân đội, cứ có dấu hiệu sai phạm, tham nhũng thì việc xử lý cán bộ cũng không là ngoại lệ.   

Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi, củi khô vào đây cũng phải cháy”, được nhắc đến nhiều lần, nhiều nơi. Ngay cả anh xe ôm, bà bán nước cũng nhớ. Hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri từ Trung ương đến địa phương, vấn nạn tham nhũng được cử tri nêu ra như một thách thức.

Một cựu cán bộ ngành công an gần đây đưa ra con số không khỏi giật mình: số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử hơn 2 năm qua nhiều gấp 3 lần và số tiền thu lại được, nhiều gấp 40 lần trong 20 năm gần đây. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 21 vụ án tham nhũng và hơn 260 bị can liên quan đến tham nhũng đã bị đưa ra xét xử, trong đó có 3 án tử hình, 9 án chung thân. 

Khái niệm “xử lý nội bộ” giờ đây đã không còn tồn tại. Tất cả các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều được công khai để dân biết. Hơn 2 năm qua, hàng loạt cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng được hoàn thiện để ngăn chặn tham nhũng như: tăng thẩm quyền cho Ủy ban kiểm tra các cấp, nhiều chế tài để xử lý đảng viên vi phạm, ngăn chặn tình trạng bỏ trốn ra nước ngoài khi có dấu hiệu tham nhũng…Ngay như Hội nghị Trung ương 7 mới đây, việc ban hành một Nghị quyết về công tác cán bộ không chỉ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực và phẩm chất, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ mới mà quan trọng hơn, nó còn góp phần làm trong sạch đội ngũ, hạn chế tình trạng thân quen, cánh hẩu, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. 

Nhưng chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng. Không dễ dàng bởi lẽ, đó là cuộc chiến trong nội bộ, chống giặc nội xâm, giữa những người đồng chí, biết rất rõ về nhau. Không dễ dàng bởi lẽ, nó đòi hỏi người đứng đầu và bộ máy làm công tác thanh tra, kiểm tra phải thật sự sạch. Chỉ một vết nhơ thôi cũng khó lòng thực thi được nhiệm vụ. Không dễ dàng bởi lẽ, việc xử lý nhiều cán bộ trong một thời gian ngắn, ở một khía cạnh nào đó, cũng tác động vào niềm tin của quần chúng nhân dân. 

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện nhưng điều họ mong mỏi nhất là có một bộ máy trong sạch, liêm chính. Họ không cho phép những đồng thuế của mình bị những kẻ sâu mọt sử dụng một cách phung phí, làm giàu cho bản thân và dòng họ.  

Bởi vậy, trong nửa nhiệm kỳ tới, nhân dân cũng gửi gắm nhiều trăn trở. 

Trước hết, những vụ án lớn, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, liên quan đến những cán bộ lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cần phải nhanh chóng xử lý để nhân dân yên tâm. Còn chần chừ ngày nào, còn dư luận ngày ấy. Ai vi phạm đến đâu, mức độ xử lý về đảng thế nào, về pháp luật ra sao, cần phải làm dứt điểm.

Cuộc chiến chống tham nhũng phải thật sự trở thành xu thế, có tính lan tỏa trong bộ máy chính trị từ Trung ương tới địa phương, chứ không thể trên nóng, dưới lạnh. Bộ máy chính quyền cơ sở, cán bộ cơ sở - nơi người dân dễ dàng giám sát nhất, nếu không trong sạch, nếu cứ giàu lên một cách bất thường, nếu cứ xây biệt thự, biệt phủ và sống xa hoa thì rất khó thuyết phục dân tin vào cuộc chiến chống tham nhũng.  

Nhân dân cũng mong đợi, các cơ chế, chính sách về phòng chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực phải chặt chẽ hơn nữa, chặn được kẽ hở trong luật, mạnh tay thu hồi tài sản tham nhũng, chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản bất minh…Chúng ta rất khó trông đợi, đến một ngày nào đó, cán bộ không cần phải tham nhũng bởi còn nhà nước là còn tham nhũng. Mục tiêu quan trọng nhất là để cán bộ “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng”.

Ngoài ra, tai mắt của dân, sự phát hiện của cơ quan báo chí đối với tham nhũng cũng cần được đánh giá một cách đúng mức. Thực tế, từ những vụ việc báo chí nêu, nhân dân bức xúc, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, cả một hệ thống dây rợ đã bị phanh phui, đưa ra ánh sáng. Nhưng vai trò đó, nhiều khi, chưa được nhìn nhận hoặc đánh giá một cách xứng đáng. 

Cuộc chiến chống tham nhũng, dù biết là sẽ chẳng khi nào dễ dàng nhưng nếu có sự đồng thuận của nhân dân, phát huy tai mắt của nhân dân, tin tưởng nhân dân thì khó mấy cũng sẽ làm được./.