“Khai giảng chỉ nên làm đúng những nghi lễ cần thiết” – ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được sự đồng thuận của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Những nghi thức rườm rà, chủ yếu dành cho người lớn đối đãi với nhau lại diễn ra tại lễ khai trường của các con. Ở các cấp học lớn có thể các con còn hiểu những phát biểu, dặn dò và sự hiện diện của các vị lãnh đạo, chứ ở những khối mầm non, tiểu học có lẽ điều này với các con là vô nghĩa.
Ảnh minh họa |
Nhà tôi ở gần một trường mầm non của quân đội. Cả chục năm nay, năm nào cũng như năm nào, các con tập trung từ 7h15 sáng ở sân trường, hàng chục chiếc quạt công suất lớn chĩa vào các con nhưng không giảm được cái nóng ngột ngạt, oi bức. Chốc chốc lại có tiếng các cô nhắc vào loa: “Khi nào các bác Thủ trưởng cấp trên đến, cả trường ta nhớ vỗ tay hoan hô nhé. Các con nhớ chưa nào?”. Tiếng trẻ con ê a vang lên “Chúng con nhớ rồi ạ”. Rồi sau đó lại ào ào như ong vỡ tổ. Có năm, phải gần 10 giờ các bác Thủ trưởng mới đến được trường nhưng buổi khai giảng diễn ra rất chóng vánh, vội vàng vì trời nắng quá, lại sắp đến giờ các con ăn trưa. Sao các bác đến muộn thế? Vì trước đó, các bác còn phải dự lễ khai giảng của các trường khác trong đơn vị. Rồi các bác đến dự, khi thì phát biểu, khi thì chẳng có ai phát biểu gì. Và phần việc duy nhất các bác làm là trao quà cho Ban Giám hiệu nhà trường nhân dịp khai giảng năm học mới. Các phụ huynh dự buổi khai giảng đều tỏ ra ái ngại nhưng chẳng ai dám nói ra.
Nói thế chứ, không phải bây giờ mới có chuyện lễ khai giảng nhất thiết phải có các bác quan chức tới dự mới trang nghiêm, mà từ thời chúng tôi đi học cách nay đã hơn 30 năm và từ trước đó đã có tình trạng này mà không ai có ý kiến gì. Đến bây giờ đã qua thời học sinh, chúng tôi chả nhớ các bác ấy nói gì trong lễ khai giảng. Ký ức ghi nhớ nhất là buổi học đầu tiên với cô giáo mới và được gặp gỡ bạn bè sau 3 tháng nghỉ hè.
Nên tổ chức khai giảng như thế nào?
Chia sẻ quan điểm về việc tổ chức ngày khai giảng, bà Văn Thùy Dương – Phó Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Từ rất lâu rồi, ngày khai giảng không còn là ngày đầu tiên của năm học mới. Khai giảng thường vào đầu tháng 9 còn học sinh thường đi học từ tháng 8. Điều này có nghĩa là học sinh học một thời gian sau rồi mới bắt đầu làm lễ khai giảng năm học mới. Như vậy có thể hiểu, ngày khai giảng vào đầu tháng 9 thực chất chỉ là hình thức. Tuy nhiên không thể thiếu vắng ngày khai giảng của năm học. Ngày khai giảng được coi là một ngày lễ không thể thiếu tuy nhiên thường thì nó mang nặng tính hình thức.
Theo bà Thùy Dương, phần lớn là các nghi lễ không dành cho chủ thể (học sinh và giáo viên), nó rườm rà và tốn kém thậm chí là tạo ra cả sự mệt mỏi. Nhiều trường được thông báo là sẽ có lãnh đạo đến thăm nên phải hô hào học sinh tập rượt để đón tiếp, lãnh đạo nhà trường mải lo lắng mà quên đi ý nghĩa lớn lao của ngày khai trường. Khai giảng thời nay như là một nghi lễ, nên làm cho gọn nhẹ và ý nghĩa, mọi thứ nên vừa đủ, ngay cả bài phát biểu. Phần lớn ngày khai giảng, học sinh tập trung dưới sân trường nên lễ khai giảng thành công hay không phụ thuộc vào thời tiết, nếu mưa hoặc quá nắng thì đều làm tổn hại đến sức khoẻ của học sinh.
Vì thế, theo bà Thùy Dương, một buổi lễ khai giảng nên tập trung lấy học sinh và giáo viên làm chủ đạo. Nên có một nghi thức thầy cô đón chào học sinh mới nhập trường (học sinh đầu cấp), điều này khiến cho học sinh mới cảm thấy cảm động và hứng khởi khi được quan tâm, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời học sinh. Sau nghi thức đón chào học sinh mới là nghi lễ chào cờ, hát quốc ca. Sau đó thày hiệu trưởng lên phát biểu ngắn gọn và chọn một bạn học sinh lên phát biểu. Nên để các thầy cô chủ nhiệm đọc thư của Chủ tịch nước gửi học sinh đầu năm học tại lớp sau khi học sinh đã làm xong nghi lễ khai giảng. Các thày cô chủ nhiệm ngoài đọc thư cho các con nghe còn phải phân tích những điểm nổi bật có ý nghĩa. Lễ khai giảng chỉ nên có một hoặc 2 tiết mục văn nghệ của học sinh và do học sinh biểu diễn. Mọi thứ nên gọn nhẹ.
“Để lễ khai giảng có ý nghĩa, hãy dành nhiều quan tâm cho chủ thể là học sinh. Không nên nói những điều quá to tát mà các em không thể hiểu được dẫn đến việc học sinh coi đó như là một sự giáo điều, nên gần gũi và tạo nên một không khí vui vẻ như ngày lễ, để các con thực sự coi đây là một ngày vui” – bà Văn Thùy Dương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều giáo viên, các trường có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để tổ chức khai giảng chứ không nhất thiết phải tổ chức cùng ngày, cùng giờ. Bởi như vậy rất thiệt thòi cho các trường ngoài công lập. Họ phải thuê rất nhiều giáo viên ở các trường công lập dạy thêm. Nếu phải tổ chức đồng loạt sẽ thiệt thòi cho các thầy cô, học sinh ở các trường ngoài công lập./.
Chia sẻ của một giáo viên tên Thảo, gửi đến VOV.VN:
Tôi là giáo viên, nhưng mỗi năm đến khai giảng lại thấy thương học sinh. Buỗi lễ khai giảng không còn ý nghĩa với các em. Không háo hức, hồ hởi như ngày xưa. Thứ nhất, các em đã đến trường học trước đó khoảng 2 tuần nên việc khai giảng chỉ mang tính hình thức. Thứ hai, lễ khai giảng chỉ làm cho đại biểu còn thầy cô, học sinh căng thẳng nào là sợ sai sót, không vừa ý lãnh đạo, sợ phê bình... Lễ khai giảng dài lê thê, hết diễn văn đến phát biểu... Toàn những thứ mà đọc không ai nghe, có nghe thì cũng không để làm gì. Có một điều rất vô lý là ai cũng biết như thế nhưng không dám đổi mới, làm ngắn gọn sợ bị phê bình, thiếu nghiêm túc, không tôn trọng lãnh đạo...