Cơn mưa lớn đầu tiên của mùa hè trút xuống Hà Nội tối 12/5/2018 gần như đã biến thành phố trở thành những con kênh đan xen chằng chịt. Người Hà Nội không biết phải tìm hướng đi nào để thoát khỏi ngập lụt trong mênh mông nước như thế. Việc công bố bản đồ ngập lụt ở Hà Nội, TPHCM được hứa hẹn một vài lần, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa trở thành hiện thực. Và người dân ở các đô thị lớn vẫn phải tự chuẩn bị tinh thần rằng: đi đâu thấy mưa to là phải cố về trong cơn mưa, trước khi nước ngập…

mua_ngap_axks.jpg
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nước và ùn tắc. (Ảnh minh họa: KT)
Tình cảnh mưa xuống là ngập không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ mà mười năm nay đã xuất hiện ở hầu hết các đô thị mới, cũ ở Việt Nam, kể cả đất cố đô Huế vốn thanh bình bên bờ sông Hương, hay thành phố dệt Nam Định nhỏ bé, nơi mà trước kia chỉ có vài khu nhà cao 5 tầng dành cho công nhân dệt. Nguyên nhân là quy hoạch hạ tầng của đô thị đã không theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị. Thậm chí ở nhiều nơi, việc xây dựng và phát triển đô thị không tuân thủ đúng theo quy hoạch và thiết kế ban đầu. Lấy ví dụ như khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), trong thiết kế ban đầu có đầy đủ công viên, hồ điều hòa, cây xanh…nhưng đến nay, toàn bộ diện tích đất đã bị tận dụng để xây nhà ở cao tầng.

Không chỉ ở các phố mới, đô thị mới mà các khu dân cư cũ ở đô thị cũng mất dần mặt đất, mặt nước, cây xanh, mất dần những mương rãnh nhỏ là nơi thấm nước, thoát nước cho đô thị, để lại những khối bê tông, nhựa đường, cát sỏi không có chút khe hở cho nước thoát. Mất cây xanh, mất hồ điều hòa, mất mương rãnh thoát nước…phố đương nhiên sẽ biến thành sông. Chẳng thế mà dù đã huy động đến “siêu máy bơm”, đường Nguyễn Đức Cảnh ở TPHCM ngập vẫn hoàn ngập.

Đã từng có nhiều cam kết, hứa hẹn rằng sẽ tìm giải pháp để chống ngập úng cho các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Đã từng có những biện pháp “tiền khả thi” được đưa ra như sử dụng “siêu máy bơm”, thiết lập các bản đồ ngập lụt để cư dân đô thị có thể ứng phó….Thế nhưng, với quy cách phát triển đô thị như hiện nay, khi chính quyền các đô thị liên tục cho phép các chủ đầu tư “cắm” nhà ở, khu thương mại cao tầng vào bất cứ nơi nào có đất trống, đất vàng, bất luận hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông khu vực đó có chịu nổi khi dân số tăng vọt hay không, thì rõ ràng, những giải pháp chống ngập úng ở đô thị hiện thời chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”, chống chỗ nọ ra chỗ kia. Và khi cả thành phố đã thành sông chỉ sau một cơn mưa, như Hà Nội tối 12/5 vừa qua, thì bản đồ ngập lụt có lập ra cũng bị vô hiệu hóa.

Một trong những vấn đề mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/5 vừa qua chính là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh đến việc chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Vì sao vấn đề quy hoạch đô thị thời gian gần đây thường xuyên được đặt lên bàn nghị sự? Chỉ một cơn mưa lớn cũng đã cho thấy nhiều bất cập của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Rõ ràng là tư duy quy hoạch của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí đi trước, có tầm nhìn xa và linh hoạt, là định hướng cho phát triển đô thị. Thậm chí có những bản quy hoạch chỉ được vạch ra cho có, cho đủ thủ tục trước khi tiến hành xây dựng. Đó là chưa kể hầu hết các bản đồ quy hoạch đều không được công bố công khai cho người dân được biết và góp ý như quy định tại Điều 42 Luật Xây dựng năm 2014 (v

ới các hình thức như công bố đồ án trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng; tổ chức hội nghị công bố quy hoạch xây dựng có sự tham gia của đại diện tổ chức, cơ quan có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện nhân dân, cơ quan thông tấn báo chí; trưng bày công khai, thường xuyên, liên tục các pa-nô, bản vẽ, mô hình tại nơi công cộng hoặc in ấn, phát hành rộng rãi bản đồ quy hoạch được phê duyệt).

Khi mà công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị vẫn mang tính chắp vá và dễ bị tác động bởi những nhóm lợi ích, thì người dân đô thị vẫn chỉ có thể tự phòng bị bằng cách thấy mưa to là cố gắng tìm về nơi trú ẩn trước khi “phố biến thành sông”./.