Cuộc sống, công việc hiện nay tồn tại những bất cập, hạn chế khiến nhiều người bức xúc. Thế nhưng, không phải ai cũng dám đứng ra nói thẳng, nói thật về những thói hư tật xấu, về những cái chưa được của một tổ chức, cá nhân nào đó.

noi_xau_eblr.jpg

Ví dụ, cả xã hội từ rất lâu đã và đang rất bức xúc về việc lạm thu đầu năm học mới ở các trường, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Thế nhưng, lại chẳng ai dám lên tiếng phản đối thực tế này vì sợ ảnh hưởng đến con em mình đang theo học trong trường. Thực tế này đã dẫn đến việc xã hội phản ứng thì cứ phản ứng còn nhà trường thì vẫn cứ… lạm thu.

Hay việc chúng ta kêu ca bộ máy hành chính quá cồng kềnh, kém hiệu quả, cán bộ nhũng nhiễu người dân. Thế nhưng, trong cơ quan, đơn vị, để chỉ ra ai là người yếu kém nhất cũng là việc khó vô cùng. Bằng chứng là cuối năm, bình xét lao động, thi đua, gần như 100% đều hoàn thành hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu dựa vào các tiêu chí đánh giá hàng năm để sàng lọc khỏi bộ máy những cá nhân yếu kém thật sự khó hơn “dò kim đáy biển”.

Cả xã hội đều kêu nạn tham nhũng quá khủng khiếp, sói mòn mọi giá trị, chuẩn mực trong xã hội. Đấy là nói chung chung, còn người dân thì không thể có đủ bằng chứng chỉ ra những kẻ nhũng nhiễu đó vì họ quá tinh vi, khó lường. Hoặc nếu có, nhiều khi người dân cũng không dám đưa ra tố cáo. Bởi, ai cũng muốn yên thân, sợ rằng tố cáo sẽ bị trả thù. Rồi dần dần, chúng ta lại sống chung với những thói hư, tật xấu, tham nhũng vặt của một số cá nhân nhân danh cơ quan thực thi pháp luật, nhân danh cơ quan quản lý Nhà nước.

Và mới đây nhất, do lên mạng xã hội Facebook nói xấu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã bị xử phạt kỷ luật 5 triệu đồng.

Việc xử lý kỷ luật, phạt hành chính với vị bác sĩ này đang gây nhiều tranh cãi. Bởi, họ cho rằng, những người làm công tác quản lý thay vì cố gắng chứng minh người kia nói sai, mình làm đúng thì hãy thể hiện bằng thực tế điều hành công việc của mình. Hàng loạt các vấn đề liên quan đến ngành y như cò bệnh viện, quá tải, chất lượng khám chữa bệnh kém, y đức xuống cấp, nhập khẩu thuốc kém chất lượng… đều không oan với quan điểm của vị bác sĩ kia. Lắng nghe ý kiến từ mọi người để có cách điều hành đúng mới là cách hoàn thiện quá trình quản lý của mình tốt nhất. 

Đây không phải là lần đầu tiên ở nước ta xảy ra tình huống này, bởi trước đó, vụ việc một cô giáo được cho là nói xấu Chủ tịch tỉnh An Giang, sau đó là cách xử lý của các ngành liên quan ở địa phương này đã khiến dư luận dậy sóng. Sau đó địa phương này đã phải xin lỗi cô giáo.

Người Việt ta có câu “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”… nên mọi người thường rất cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói. Nhiều khi thấy chuyện bất bình nhưng cố nén nhịn để tìm sự bình yên. Thế nhưng, cái bình yên tạm thời ấy lại là mảnh đất dung dưỡng những thói hư, tật xấu, để những kẻ cơ hội “được đằng chân, lân đằng đầu”.

Một xã hội văn minh và muốn tiến bộ thì những người làm việc trong hệ thống hành chính công, trong các cơ quan quản lý Nhà nước phải biết lắng nghe những lời phàn nàn, góp ý, thậm chí là phê bình thẳng thắn từ các cá nhân, cộng đồng xã hội. Chỉ khi nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, thực sự cầu thị, đổi mới, hoàn thiện bản thân, hệ thống, thể chế… mới mong có sự tiến bộ trong công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ được giao./.