Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của đất nước, nông thôn Việt Nam đang thay đổi rất nhanh. Đó là thành quả của công cuộc đổi mới bắt đầu cách đây gần 30 năm. Tuy rằng, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống của một bộ phận nông dân có khá lên nhưng quả thực, con số người giàu ở nông thôn vẫn còn quá ít. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để nông nghiệp- nông thôn phát triển bền vững, rất cần sự đổi mới từ chính người nông dân.

Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông nghiệp còn mang lại một nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước khi đưa gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu đứng hàng nhất nhì trên thế giới, cùng một số sản phẩm xuất khẩu khác cũng ở top đầu như thủy sản, cà phê, hạt tiêu…

Thế nhưng, có một nghịch lý là đời sống của đại bộ phận nông dân- những người trực tiếp làm ra sản phẩm vẫn chưa thể giàu lên. So sánh tốc độ phát triển giữa khu vực nông nghiệp với công nghiệp - dịch vụ hiện đang có một khoảng cách khá xa. Một bên (công nghiệp-dịch vụ) là mấy chục phần trăm/năm và một bên (nông nghiệp) chỉ 5- 6%/năm. Trong khi gần 70% dân số Việt Nam hiện sống ở nông thôn và sống bằng nghề nông, sự chênh lệch này chính là minh chứng về tính chưa bền vững của sự phát triển.  

Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc phát triển kinh tế. Hội nhập đầy đủ vào đời sống quốc tế tạo ra một môi trường rộng mở và rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội thì bắt buộc người nông dân phải có trình độ, có năng lực. Quan sát vùng nông thôn như Đồng bằng sông Hồng, miền Trung hay Đồng bằng sông Cửu Long thì chỉ những nông dân giỏi, có trình độ mới có khả năng tận dụng cơ hội, trở nên khá giàu. Tuy nhiên, con số ấy cũng không nhiều, còn đại bộ phận vẫn bấp bênh giữa ranh giới của sự đói nghèo.

Nông dân Việt Nam rất siêng năng, cần cù và nhiều sáng tạo. Tuy nhiên, đã đến lúc không thể đi theo lối mòn bằng những kinh nghiệm sẵn có. Nông dân thế kỷ 21 không phải là người vác cày, xách hái ra ruộng, mà phải là nông dân “công nghiệp”. Phải có tri thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo quy trình bài bản. Không có sự hỗ trợ của công nghiệp, của khoa học và công nghệ, của doanh nghiệp và thị trường, chỉ đơn độc nông dân thì nông nghiệp không thể khởi sắc và phát triển đúng với vị trí cực kỳ quan trọng của nó.

Thế kỷ 21, nhìn trên bình diện toàn cầu, nông nghiệp vẫn là giá đỡ chính cho sự phát triển bền vững và giảm nghèo. Bởi vậy, xét cho cùng, khi bàn về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, chúng ta nên đặt người nông dân ở vị trí số 1. 

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ và giành nhiều ưu ái cho khu vực nông nghiệp- nông thôn-nông dân. Tuy nhiên, để nông thôn tiến kịp thành thị, phải đầu tư mạnh hơn nữa, giúp nông thôn phát triển một cách toàn diện, không chỉ nông nghiệp mà còn cả công nghiệp và dịch vụ. Điều quan trọng là phải trang bị kiến thức, nguồn lực, giúp nông dân đủ sức vươn lên, nắm vững thời cơ trong quá trình hội nhập.

Năm 2013 là năm đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” cho 62 nông dân tiêu biểu cả nước. Đó là những tấm gương trong lao động sản xuất, kinh doanh, hoặc có những sáng chế, phát minh đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và đã đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đây là nguồn khích lệ cho hàng triệu nông dân Việt Nam vươn lên trong thời kỳ mới, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.