Bức hình một người đàn ông, đầu đội mũ bảo hiểm, đeo trước mặt tấm biển mang dòng chữ "Tôi thành thật xin lỗi các anh cảnh sát giao thông vì đã vượt đèn đỏ!" đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Tác giả cho biết bức hình được chụp tại đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP HCM. Người đàn ông trong ảnh tên Điền.
Vì con trai, anh Điền đã đứng ôm tấm biển với dòng chữ "Tôi thành thật xin lỗi các anh cảnh sát giao thông vì đã vượt đèn đỏ!" |
Ban đầu nhiều người đoán già, đoán non về hành động này của anh Điền. Có người cho rằng anh ta là người không bình thường… Nhưng sau khi được chính anh Điền cho biết lý do anh hành động như vậy thì nhiều người thực sự vỡ òa vì cảm động. Anh Điền có một đứa con bị bệnh nan y. Do nhiều lần chở con đi chữa bệnh, anh vượt qua các đèn đỏ nên cháu bé bảo ba làm như thế là sai. Con trai anh yêu cầu anh phải xin lỗi hành vi đó nên anh rất áy náy và nghĩ ra cách xin lỗi này. Sau khi cháu bé nói với ba yêu cầu đó thì bệnh cháu lại trở nặng và nhiều lần hôn mê.
Câu chuyện của cha con anh Điền thoáng qua khiến nhiều người xúc động bởi tình phụ tử và hơn thế nữa, cháu bé đang phải chống chọi với một cơn bạo bệnh mà chưa biết hồi sinh tử ra sao. Thế nhưng, thẳm sâu trong suy nghĩ trẻ thơ trong sáng của con trai anh Điền là ý thức của một công dân nhí rất đáng được nhiều người trân trọng và làm theo. Đó đơn giản là câu chuyện về ý thức của người người lớn, của những người tham gia giao thông. Ý thức của người tham gia giao thông - câu chuyện tưởng như đơn giản, trong tầm tay của mỗi người nhưng lại vô cùng khó thực hiện. Bởi lâu nay chúng ta đã tốn bao giấy mực, đã phải trả giá bằng mạng sống của bao nhiêu con người, nhưng thực tế có được cải thiện là bao đâu.
Câu chuyện của cha con anh Điền còn khiến chúng ta phải suy ngẫm hơn khi 9 ngày nghỉ Tết có hơn 200 người chết vì tai nạn giao thông, 331 người bị thương. Cũng trong dịp nghỉ tết, có tới hơn 3.400 người nhập viện vì đánh nhau. Báo cáo của Bộ Y tế về tình hình trong dịp Tết cho biết, số tử vong do đánh nhau (tính đến mùng 3 Tết) tăng gấp 2,5 lần so với Tết Ất Mùi. Nếu người lớn thực sự có ý thức thì trong những ngày nghỉ lễ để hưởng thụ niềm vui thì đâu phải chứng kiến cảnh đau thương, tang tóc xảy ra như vậy?
Vì sao một đứa trẻ biết phân biệt phải trái, đúng sai, có ý thức chấp hành luật pháp mà người lớn lại không làm được? Bố của cháu nhỏ vượt đèn đỏ gây nguy hiểm cho những người đi đường khác. Lẽ ra anh ta phải xin lỗi người đi đường chứ không phải là CSGT. Nhưng dù là ai được xin lỗi trong tình huống này không còn quan trọng nữa mà quan trọng hơn là ông bố đã nhận ra lỗi của mình, dũng cảm đứng ra xin lỗi. Hành động của anh Điền một phần là vì đứa con nhỏ tội nghiệp nhưng đáng được xã hội lưu tâm và trân trọng.
Dân ta đã đúc kết “Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy”. Điều này có nghĩa, cha mẹ, người lớn là người có ý thức, biết chấp hành kỷ cương, kỷ luật thì những đứa con, đứa cháu của họ cũng là những đứa trẻ biết nghe lời, sống có tôn ti, trật tự. Đơn giản như chuyện ra đường, gặp đèn đỏ, thấy đường vắng, không có bóng dáng CSGT (nhiều khi có CSGT đứng dưới đèn đỏ) nhưng nhiều người đi xe máy vẫn “mắt trước, mắt sau” vù ga phóng qua. Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra vì ý thức chấp hành luật kém của người đi đường nhưng xem ra họ vẫn coi đó là “số giời” chứ không phải tại mình. Và chúng ta cũng đã có câu trả lời ngay tức khắc khi bắt gặp rất nhiều các bạn nhỏ tuổi từ 15-18-20, đầu trần đi xe máy lượn lách, vượt đèn đỏ như một thú vui. Thử hỏi, một xã hội có tính kế thừa cao những thói vô kỷ luật, thiếu tôn trọng người khác như vậy thì sẽ phát triển tới đâu?
Chúng ta sẽ không thể tốt lên nếu cả xã hội này cái “tôi” của mỗi người quá lớn, khi đến nơi công cộng ai cũng chỉ nhất nhất đạt mục đích của mình. Nhiều người làm cha, mẹ nhưng không gương mẫu trong từng lời nói, hành động sao ước mong những đứa con sẽ là những công dân sống có kỷ cương, kỷ luật?/.