Những vụ lái xe ô tô gây tai nạn liên tiếp xảy ra gần đây khiến nhiều người tham gia giao thông luôn nơm nớp lo sợ. Nhiều người bảo đấy là ô tô điên. Nhưng thực ra, cái ô tô ấy là vật vô tri, vô giác, nó hoạt động được an toàn hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào người cầm vô lăng lái chiếc xe đó. Vậy thì chỉ có người điên lái xe chứ không thể có xe điên được. Lâu nay, con người cứ gây ra tội lỗi rồi lại đổ riệt cho những chiếc xe vô tri, vô giác là “điên”.

xe_dien_cjtj.jpg

Hẳn mọi người chưa quên những vụ tai nạn liên hoàn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra những tháng gần đây như: Vụ taxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà – Chùa Bộc, xế “khủng” của Hà Hồ gây tai nạn khiến 10 người thương vong ở Sân bay Tân Sơn Nhất, xe khách của hãng Phương Trang đâm hàng loạt xe máy khi dừng đèn đỏ ở TP HCM, “Xe điên” gây tai nạn liên hoàn ở Đội Cấn - Hà Nội…

Năm 2015 là năm đầu tiên số người chết vì tai nạn giao thông giảm tới 3000 người. Con số này thực sự khiến cả xã hội vui mừng vì trong khi số lượng phương tiện giao thông gia tăng mà tai nạn giảm. Thế nhưng, một điều chắc chắn là sự bất an của mỗi người dân khi ra đường lại gia tăng và nhiều người cho rằng đã trở thành một loại “tệ nạn” trên đường phố. Bởi tần suất xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên hoàn ngày càng dày hơn trước.

Những vụ tai nạn này xảy ra hầu hết đều do sự chủ quan của những người ngồi sau tay lái. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn “xe điên” nhưng có lẽ phổ biến là: lái xe chạy quá tốc độ; sử dụng rượu, bia, chất kích thích quá mức khiến không tự chủ được tay lái; kỹ năng lái xe yếu kém… Đối tượng vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi gây ra, theo luật pháp, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Thế nhưng, vụ việc chỉ ồn ào khi xảy ra rồi sau đó “chìm dần vào sự lãng quên”. Chẳng mấy ai còn chú ý đến việc những kẻ khiến cho những chiếc ô tô trở thành "xe điên" đó bị xử lý như thế nào, họ có phải trả giá xứng đáng cho hành vi mình đã gây ra hay không?

Thực tế, nhiều vụ tai nạn do “xe điên” gây ra thời gian vừa qua nhưng mức án đối với những người gây tai nạn còn quá nhẹ so với hậu quả mà đối tượng đã gây ra. Chính vì thế, tính giáo dục, răn đe những người lái xe gây TNGT, đặc biệt là theo kiểu "xe điên" này rất kém. Đây cũng là một căn nguyên, khiến một số lái xe ẩu, coi thường Luật Giao thông và tính mạng người đi đường.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho nạn xe điên, văn hóa giao thông ở nước ta lại tồi tệ như vậy?

Thứ nhất: Việc lấy bằng lái xe cơ giới (xe máy, ô tô) ở Việt quá dễ dàng. Trong 3 tháng học lái xe, đa phần các thầy dạy kỹ năng điều khiển xe chứ ít khi “bày” cho học viên cách ứng xử khi đi trên đường. Thậm chí, theo qui định của Luật Giao thông đường bộ “Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải” nhưng nhiều bác tài vẫn ngang nhiên đi vào làn đường dành cho xe có tốc độ cao. Bởi vì thầy bảo “cứ đường mình mình đi, ông nào muốn vượt thì sang làn bên cạnh”…

Chỉ so sánh với ngay Thái Lan thì đã thấy, việc đào tạo lái xe ở nước ta còn rất dễ dãi (cả phần lý thuyết và thực hành). Ngoài thời gian đào tạo ngắn hơn thì cách thi cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Thứ hai: Khi đi trên đường, nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhiều khi chỉ cần "mềm dẻo" với cảnh sát giao thông là được cho qua.

Thứ ba: Ý thức, văn hóa giao thông của người tham gia giao thông đang “có vấn đề”. Nhiều người ra đường “mạnh ai người ấy chạy” không cần biết luật lệ. Văn hóa giao thông của người tham gia giao thông thể hiện rõ nhất khi xảy ra tắc đường ở các thành phố lớn, trên các quốc lộ.

Ngoài ra, nhiều gia đình có người bị thiệt mạng hay bị thương lại “xuê xoa” cho những hành vi gây lỗi của lái xe. Họ nghĩ rằng, “người chết đã chết rồi” hay đó là “cái số” nên cũng không muốn đeo đuổi sự việc để bắt buộc người gây tai nạn phải đền bù hay chịu hình phạt nghiêm khắc.

Tai nạn là điều mà không ai mong muốn. Nhưng kiểm soát sự an toàn trên đường khi tham gia giao thông phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người lái xe. Luật pháp đã có nhưng việc thực thi, áp dụng luật pháp chưa nghiêm nên dẫn đến tình trạng nhiều người “nhờn” luật. Người cầm vô lăng vô trách nhiệm nếu biết rằng “mỗi mạng người chỉ đáng giá vài chục triệu” hoặc cùng lắm chỉ “ngồi khám vài năm” là lại ra thì sẽ chẳng bao giờ răn đe được ai./.