- Làm giàu nơi quê nhà
- Nông thôn mới - Nỗ lực và sức cản
- Xây dựng nông thôn mới là quá trình bền bỉ, lâu dài
- 600 trí thức trẻ ưu tú làm Phó chủ tịch UBND xã
Cán bộ địa phương là nòng cốt của chính quyền cấp cơ sở, có vai trò rất quan trọng trong việc đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, do vậy họ có ảnh hướng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp xã rất đông nhưng còn nhiều bất cập. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển đúng với tiềm năng.
Hiện nay, nước ta có khoảng 2 triệu cán bộ xã. Bình quân mỗi đơn vị hành chính cơ sở có khoảng 200 cán bộ. Con số này đang có xu hướng tăng thêm thêm chứ không phải tinh giản lại.
Về trình độ cán bộ chủ chốt cấp xã, qua thống kê từ nhiều nguồn, có mức trung bình như sau: 41% có trình độ văn hoá cấp II trở xuống; cấp III 49%; Đại học 3%; Trung cấp nghề dưới 10%. Ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều.
Vì là cấp cơ sở, nên mọi chủ trương, chính sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau có đi được vào cuộc sống hay không hầu hết đều qua mắt xích cuối cùng này. Tầm quan trọng đó đòi hỏi người cán bộ ở cơ sở phải có kiến thức và năng lực tương đối tổng hợp. Trình độ, năng lực của họ là một trong những yếu tố quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và đảm bảo sự ổn định chính trị ở nông thôn.
Một khảo sát gần đây về ý kiến của người dân đối với cán bộ và đảng viên cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở còn yếu kém. Có tới 55% số người được hỏi cho rằng, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở mức trung bình. Đặc biệt, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đội ngũ cán bộ lãnh đạo lại bộc lộ khá nhiều hạn chế, nhược điểm và khuyết điểm. Một bộ phận có biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Yếu kém nêu trên biểu hiện ở thái độ ngại tiếp xúc, đối thoại với dân, tránh né giải quyết hay giải quyết không kịp thời những yêu cầu, khiếu kiện của dân. Việc quản lý đất đai, dự án, tài chính của xã còn lỏng lẻo, rò rỉ và thất thoát. Từ đó gây mất lòng tin và khiến khiếu kiện tiếp tục nảy sinh.
Không ít cán bộ xã đùn đẩy việc lên trên để tránh né hoặc đẩy xuống thôn, biến thôn thành cấp hành chính thay mình. Biểu hiện này đã làm sai lệch chức năng chính quyền cơ cở của cấp xã.
Theo các nhà chuyên môn, cần phải rà soát lại toàn bộ chương trình giảng dạy của các trường đào tạo cán bộ của tỉnh. Bỏ những nội dung học quá cao, xa. Nên tập trung học về đường lối, chính sách, luật pháp và những vấn đề gắn với yêu cầu phát triển của các cộng đồng cơ sở. Chương trình học không nên giao cho các tỉnh tự quyết định và phải do cấp trung ương thống nhất về nội dung cơ bản, địa phương chỉ bổ sung những nội dung cần thiết, đáp ứng những đặc thù của riêng mình.
Nên hình thành những trung tâm đào tạo cán bộ chuyên cho nông thôn. Trong đó, không chỉ chú trọng đào tạo về nông nghiệp mà phải cân đối cả ba mặt: nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đáp ứng được nhưng yêu cầu rất cụ thể của công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc chọn lọc, đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc ở cơ sở. Phải xem đây là “hạng mục” đầu tư cơ bản nhất. Đề án đưa 600 trí thức trẻ về các xã đặc biệt khó khăn của 62 huyện nghèo hay việc thực hiện luân chuyển cán bộ và chính sách thu hút tri thức trẻ về công tác theo Nghị quyết 30a của Chính phủ… là cách làm thích hợp. Nhưng phải xây dựng được cơ chế và tạo ra những điều kiện thực tế để những cán bộ này thực sự có đất “dụng võ” ở cơ sở.
Rõ ràng, trẻ hoá và tri thức hoá đội ngũ cán bộ cơ sở chính là đòi hỏi cấp thiết nhất để đưa nông nghiệp, nông thôn vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo ra được một diện mạo nông thôn thực mới./.