Triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh lên cao, vượt mực nước lịch sử năm 2011 và đạt mức 1,61m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn, gây ngập úng sâu trên diện rộng. Những khu vực vốn ít bị ảnh hưởng bởi triều cường cũng  ngập sâu tới 0,5m. Đường đi biến thành “trận địa” chống ngập, đàn ông leo trên tường, đàn bà chuyển đồ đạc. Đến cả ánh mắt trẻ thơ cũng đượm vẻ âu lo. Đó là những dấu hiệu bất thường.

Sự bất thường ấy thể hiện rất rõ: Ngày 15/10 có đến 14 điểm bị ngập, đến ngày 16/10, triều cường gây ngập tại 18 điểm và đến ngày 17/10, trên địa bàn thành phố có hơn 15 điểm ngập. Trong số đó, nhiều điểm bị tái ngập liên tục nằm trên các đường như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Lương Định Của, Kha Vạn Cân, Huỳnh Tấn Phát, Phú Định, Nguyễn Hữu Hào. Toàn thành phố có tới gần 40 điểm ngập. Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với tình trạng ngập nặng nhất từ đầu năm đến nay.

trieu-cuong.jpg
Triều cường làm đảo lộn cuộc sống người dân TP HCM

Triều cường, úng ngập làm đảo lộn mọi sinh hoạt, đi lại và cuộc sống của người dân. Hình ảnh hàng trăm người dân thành phố Hồ Chí Minh lũ lượt bỏ của chạy lấy người như một dấu ấn hết sức lo ngại về sự ra tay trừng phạt của thiên nhiên.

Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ năm nay là năm đầu tiên lũ không về. Mực nước lũ đo được tại trạm đo nước Tân Châu (An Giang) chỉ đạt mức 3,04m, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mực nước lũ đo tại Mộc Hóa (rốn lũ Đồng Tháp Mười) chỉ đạt mức 1,3m, thấp hơn gần 1m so với trung bình hàng năm.

Nước lũ không về gây thiệt đơn, thiệt kép cho bà con nông dân. Năm nay mùa cá linh và cá nước ngọt ở các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu đều thất mùa. Các ngành dịch vụ phục vụ mùa lũ cũng bị vạ lây. Tại các làng nghề sản xuất lú, lờ, lọp, vó, bẫy chuột tình trạng ế ẩm bao trùm. Các làng nghề đóng xuồng phục vụ mùa lũ cũng buồn hiu, lạnh bóng...  

Điều đáng lo ngại nhất là các nguồn lợi thủy sản sẽ “vuột khỏi tầm tay”. Lũ không về, người dân các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long sẽ phải đối mặt với mùa hạn đến sớm. Và cái mất lớn nhất khi lũ không về, người dân đồng bằng Sông Cửu Long không thể thu nhận một lượng lớn phù sa bồi đắp cho những ruộng lúa. Và lũ không về sẽ chẳng gì có thể tiêu độc, xả phèn để các vụ sau lúa sẽ tốt hơn, trúng hơn.

Hãy thử đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo phân tích của các chuyên gia: nguyên nhân là do lượng mưa ở thượng nguồn sông Mekong thấp hơn so với trung bình nhiều năm và ở các nước đầu nguồn, các đập nước đã làm hạn chế lượng nước đổ về hạ nguồn.

Hiện nay, trên toàn lưu vực sông Mekong có tới 6.000 công trình lớn nhỏ gồm hồ chứa nước, công trình thủy lợi được xây dựng. Điều này làm phương hại đến dòng chảy sông Mekong, tác động đến toàn bộ hệ sinh thái, kể cả nơi đập thủy điện tồn tại, nhưng hậu quả nặng nề nhất lại ở cuối nguồn, đồng bằng Sông Cửu Long. Vậy là nguyên nhân do chính bàn tay con người.

Còn triều cường đạt đỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh vì sao? Ông Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do san lấp quá nhiều trong thời gian qua. Việc san lấp đã lấy đi diện tích khổng lồ để chứa nước. Nhiều nơi đã xây bờ bao kiên cố nên hết ngập nhưng việc này đã góp phần làm đỉnh triều trên sông rạch cao hơn, những khu vực còn ngập sẽ bị ngập nặng hơn”. Vậy là nguyên nhân cũng lại do chính con người.

Thời gian qua, Việt Nam đã phải gánh chịu quá nhiều hậu qủa nặng nề do thiên tai gây ra, mà tất cả nguyên nhân đều do chính bàn tay con người: phá rừng, hủy hoại môi trường, xây thủy điện làm thay đổi dòng chảy của các con sông…

Thiệt hại mà chúng ta phải gánh chịu là quá rõ. Bởi vậy, để “ông trời” không tiếp tục nổi giận, hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay bảo vệ môi trường của tất cả mọi người dân và cần dừng ngay những hành động tàn phá môi trường, trước khi quá muộn./.