Quốc hội đã chính thức “ấn nút” thông qua phương án tăng lương cơ sở từ 1/5/2016 với mức 5%. Đón nhận thông tin này nhưng buồn vui xen lẫn. Vui vì được tăng lương. Buồn vì chúng ta phải co kéo vất vả mới có được nguồn để tăng lương. Điều này cũng có nghĩa, kỳ tăng lương sau chúng ta chưa thoát khỏi cảnh “giật gấu vá vai” như hiện tại.

tang_luong_11_ktsn.jpg

Vài năm gần đây, cứ đến kỳ tăng lương thì người lao động lại “nín thở” chờ cuộc tranh luận, cân đo giữa đại biểu Quốc hội và Chính phủ về câu chuyện cân đối ngân sách. Năm nay cũng vậy, cán bộ công chức, viên chức cũng vừa trải qua chuỗi ngày với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Thất vọng khi Bộ trưởng Tài chính tuyên bố chưa cân đối được nguồn để tăng lương năm 2016. Sau đó lại có chút hy vọng le lói khi Chính phủ ra Nghị quyết sẽ trình Quốc hội phương án tăng lương vào kỳ họp tháng 3/2016. Và hôm nay, niềm vui “vỡ òa” khi Quốc hội chính thức “quyết” tăng lương 5% vào ngày 1/5/2016.

Tăng lương thì mừng đấy, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo vì có nhiều thứ chưa bền vững. Và có thể, vào kỳ tăng lương tiếp theo chúng ta lại tiếp tục vật lột với những bài toán mà hai kỳ tăng lương vừa rồi đã gặp phải: ngân sách hạn hẹp, bộ máy cồng kềnh, chi tiêu lãng phí… Vậy phải bắt đầu từ đâu để trong tương lai câu chuyện lương không khiến người lao động phải sống trong cảnh thấp thỏm như những ngày vừa rồi?

Thứ nhất, điều dễ thấy là chúng ta phải cân đối lại việc phân bổ ngân sách. Số liệu từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tổng nguồn ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục đào tạo năm 2015 là 224.826 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng chi NSNN. Đồng thời, bố trí tăng chi cho lĩnh vực y tế không thấp hơn tốc độ tăng chi NSNN nói chung. Chúng ta đã xác định cùng với hạ tầng cơ sở vật chất thì chất lượng nguồn nhân lực đang là điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế cần phải xử lý.

Để xử lý chất lượng nguồn nhân lực thì không có cách nào khác là phải chăm lo tốt hơn cho giáo dục và y tế. Chính vì vậy mà nguồn lực Nhà nước dành cho các khu vực giáo dục, y tế sẽ vẫn tiếp tục nằm trong diện ưu tiên của ngân sách nhà nước những năm tới. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế thì lĩnh vực y tế-giáo dục chúng ta hoàn toàn có thể xã hội hóa chứ không nhất thiết phải dựa hoàn toàn vào nguồn từ ngân sách. Đây là lĩnh vực mà tư nhân cũng có thể tham gia và phát triển mạnh, thậm chí làm tốt hơn Nhà nước rất nhiều.  

Thứ hai, câu chuyện được nhiều người nhắc đến là bộ máy hành chính Nhà nước ngày một “phình” to nhưng hoạt động lại kém hiệu quả. Trên diễn đàn Quốc hội và diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế, có thể trong vài ba năm tới “đóng băng biên chế” không cho tuyển dụng mới mà chỉ có đào thải những người không làm được việc ra khỏi guồng máy. Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM đã đặt mục tiêu tinh giản biên chế bằng những con số cụ thể. Ví dụ, Hà Nội đến 2012 giảm ít nhất 10% biên chế, còn TP HCM thì đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021 sẽ tinh giản gần 14.000 biên chế. Trong câu chuyện này cũng còn nhiều vấn đề phải bàn bạc. Nhiều người lo ngại khi tinh giản biên chế có tránh được chuyện có “ô dù” thì dù yếu kém vẫn không bị tinh giản, hoặc đây là dịp để những kẻ cơ hội thanh trừ những người làm được việc…

Theo mô hình bộ máy hành chính ở nhiều nước trên thế giới, họ trả lương theo việc làm. Có nghĩa là hoàn thành công việc này anh sẽ được trả số lương cụ thể là bao nhiêu. Áp dụng cách này thì với 1 công việc mà anh có tuyển vào 10 biên chế thì cũng chỉ được trả một số tiền cố định. Như chúng ta hiện nay đang trong tình trạng có quá nhiều người làm một công việc, người nọ “dòm” người kia khiến công việc trì trệ, những người có năng lực không phát huy được khả năng của mình, còn những người yếu kém lại có cơ hội dựa vào đó để tồn tại.

Thứ ba, cải cách tiền lương là một câu chuyện dài và phức tạp. Lâu nay, mỗi lần nói đến chuyện tăng lương chúng ta không chỉ bàn tới những người đang đi làm mà còn cả những đối tượng đã nghỉ hưu, đối tượng chính sách. Nên chăng, cần tách các đối tượng này để có cách điều chỉnh tiền lương theo đặc thù và giãn được số lượng người được tăng lương trong một đợt, gánh nặng ngân sách sẽ đươc san sẻ không bị dồn ép vào một thời gian như bây giờ.

Thứ tư, nước ta nghèo nhưng rõ ràng ai cũng thấy việc chi tiêu từ ngân sách Nhà nước rất lãng phí. Từ câu chuyện xe công, lễ hội, khai trương, tiếp khách, đi nước ngoài, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư cho các chương trình kinh tế - xã hội… đâu đâu cũng thấy thất thoát, lãng phí. Với cách chi tiêu như vậy mà ngân sách không “thâm thủng” mới là chuyện lạ.

Dù việc tăng lương cơ sở năm 2016 không được trọn vẹn như mong muốn (chỉ 5% so với mục tiêu đặt ra là 8%) nhưng đã là sự nỗ lực lớn của những người điều hành ngân sách và là nguồn động viên lớn với người lao động. Cải cách tiền lương là câu chuyện của cả hệ thống chứ không riêng một bộ, ngành cụ thể nào./.