Việt Nam vừa phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công này là các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế nước ta trong chu kỳ dài hạn 10 năm tới. Có thể thấy, câu chuyện “tạo niềm tin” đặt ra không chỉ với từng cá nhân, doanh nghiệp, mà ở cả tầm quốc gia, đặt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo hướng bền vững.

Phát hành trái phiếu, nói nôm na là một hình thức đi vay tiền, huy động vốn từ các nhà đầu tư. Trái phiếu Chính phủ phát hành quốc tế, theo quy định, là để đầu tư phát triển. Trong số 1 tỷ USD trái phiếu phát hành lần này, có tới hơn 600 triệu USD hoán đổi cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu có thời gian đáo hạn năm 2015 và 2020, với lãi suất cao khoảng 7% trước đó. Còn lại khoảng hơn 300 triệu USD sẽ phân bổ cho các dự án đầu tư phát triển. Có nhiều ý kiến băn khoăn về việc phát hành trái phiếu lần này, để “đảo nợ” là chính, phần dành cho đầu tư phát triển thấp. Nhưng nhìn rộng ra, trong bối cảnh nợ công nước ta đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, thì điều kiện quốc tế hiện nay là thuận cho việc phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn, có ý nghĩa cho quá trình cơ cấu lại khoản nợ, theo hướng kéo dài thời gian và giảm áp lực trả nợ. 

trai_phieu_zgdk.jpgTrái phiếu Chính phủ (ảnh: báo Đầu tư)

Các nhà đầu tư quốc tế, mà chủ yếu là các Công ty quản lý quỹ đầu tư, chắc hẳn có đủ lý do, để tin rằng trái phiếu Chính phủ Việt Nam hấp dẫn, đáng đầu tư, và chấp nhận hoán đổi trái phiếu sắp đến hạn, với lãi suất cao, để đổi lấy trái phiếu lãi suất thấp hơn gần một nửa, với thời hạn kéo dài thêm 10 năm nữa. Lý do không chỉ ở lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam hấp dẫn hơn trái phiếu của một số Chính phủ khác có cùng mức tín nhiệm nợ, mà cơ sở quan trọng hơn để nhà đầu tư tin tưởng. Đó là 2 hãng đánh giá tín nhiệm danh tiếng, là Fitch  và Moody đều vừa nâng hạng tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam và một số ngân hàng thương mại ở nước ta. Còn theo đánh giá của đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, việc tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng đã theo hướng minh bạch hơn, tránh được nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Tình hình vĩ mô được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào những năm sau là những điều kiện tốt để “nâng hạng” Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Sau niềm vui ban đầu về thành công trong phát hành và hoán đổi trái phiếu quốc tế, và triển vọng sẽ phát hành thành công thêm những đợt khác, còn rất nhiều việc phải tiếp tục làm, để những khoản vay nợ được sử dụng hiệu quả, để hệ thống tài chính, ngân hàng thực sự lành mạnh, nợ xấu không còn là nỗi ám ảnh của cả nền kinh tế, để Việt Nam thực sự thoát khỏi giai đoạn trì trệ hiện nay.

Ở góc độ nhà đầu tư quốc tế, thì nhìn nhận về triển vọng đầu tư của Việt Nam là khá tốt. Nhưng trong nước, hiện nay, chúng ta nghe nói nhiều đến nhận định “niềm tin đầu tư chưa cao”, khi mà dòng vốn hiện đang nghẽn lại ở các ngân hàng, trong lúc tín dụng tăng trưởng chậm chạp. Lãi suất huy động tiết kiệm tiếp tục hạ, nhưng dòng tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục tăng, cho thấy đầu tư sản xuất còn nhiều khó khăn, các kênh đầu tư tài chính còn tiềm ẩn rủi ro, nên gửi tiết kiệm vẫn là một lựa chọn an toàn hơn cả. 

Tiếp tục khơi thông các nguồn lực từ tài chính, đến nhân lực, trí tuệ từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân trong nước, điều quan trọng, là các chính sách định hướng đầu tư phải rõ ràng, ổn định. Ví như những định hướng lớn hiện nay trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển các ngành kinh tế theo hướng “xanh’, thân thiện với môi trường… cần có những chính sách cụ thể đi kèm, chứ không chỉ dừng lại ở trên văn bản, quy định. Có như vậy, nhà đầu tư mới dám bỏ tiền của, công sức, trí tuệ để đầu tư, mà bớt đi nỗi lo “may-rủi” vì chính sách. Có như vậy, niềm tin đầu tư và cả niềm tin tiêu dùng nữa, mới tăng lên, mới trở thành động lực cho quá trình phát triển./.