Học sinh, sinh viên là bộ phận ưu tú của thanh niên. Đa số các bạn trẻ này tích cực học tập, lao động sáng tạo, tham gia vào nhiều hoạt động xã hội tình nguyện để lại ấn tượng tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn có suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn đáng lo ngại, và số này có xu hướng gia tăng. Thực trạng đó đó cho thấy, bồi dưỡng nhân cách, giáo dục lí tưởng cho học sinh, sinh viên ngày nay không thể làm bằng cách hô hào chung chung hay những bài học kinh viện.

Học sinh, sinh viên mà không có hoài bão, ước mơ thì thật phí hoài. Ai chẳng mong muốn học tập rèn luyện tốt để khi có cơ hội sẽ được dấn thân và khẳng định mình. Số đông học sinh, sinh viên ngày nay có chí tiến thủ. Các bạn xác định lí tưởng từ quyết tâm thực hiện những mục tiêu nho nhỏ cụ thể, trước hết là việc học tập rèn luyện của bản thân.

Ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Song song với việc học, nhiều sinh viên thường xuyên giúp đỡ bạn bè khó khăn hơn mình, sắp xếp thời gian làm thêm để tự trang trải nhu cầu bản thân và giúp đỡ gia đình.

1092190187.jpg
Thanh niên tình nguyện, tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Rồi những chiến dịch mùa hè xanh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, màu áo xanh ở những điểm ùn tắc giao thông, những chiếc xe kéo chổi quét đinh dọc quốc lộ tỉnh lộ... đều in đậm dấu ấn của học sinh, sinh viên tình nguyện.

Tuy nhiên, bên cạnh số đông tích cực vẫn còn khá nhiều học sinh, sinh viên có suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn đáng lo ngại, có lối sống thực dụng, buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Không ít bạn có biểu hiện tiêu cực không được uốn nắn kịp thời đã trượt ngã thành hư hỏng, tội phạm. Đáng lo ngại là số này có xu hướng gia tăng.

Thực trạng đó không phải bây giờ mới được đặt ra. Vấn đề là những năm qua, tổ chức Đoàn, Hội sinh viên tuy có đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, nhưng chưa theo kịp thực tiễn. Việc nắm bắt và định hướng tư tưởng cho học sinh, sinh viên chưa chủ động, kịp thời. 

Trong thời buổi kinh tế thị trường, trước thực trạng đạo đức xuống cấp, bạo lực gia tăng cả ngoài xã hội và trong gia đình, ma túy len lỏi vào trường học, nếu như không có sự trợ giúp của Đoàn, Hội và nhiều thiết chế khác thì học sinh, sinh viên khó mà đứng vững trước hấp lực của chủ nghĩa cá nhân, đua đòi, vọng ngoại... Đã có trường hợp bị lợi dụng vào những quan hệ với mục đích xấu, thậm chí đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, của dân tộc.

Để học sinh, sinh viên đủ sức đề kháng những nguy hại ấy, trước hết cần tăng cường vai trò của Hội sinh viên và Đoàn thanh niên các cấp. Bồi dưỡng nhân cách, giáo dục lí tưởng cho học sinh, sinh viên ngày nay không thể làm bằng cách hô hào chung chung hay những bài học kinh viện.

Thực tế cho thấy, cần có nhiều mô hình hấp dẫn, thông qua học tập lao động đưa học sinh, sinh viên vào thực tiễn, tạo cơ hội cho các bạn ghi dấu ấn của tuổi học đường trên những công trình cụ thể. Bên cạnh vai trò của Đoàn, Hội cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều cấp nhiều ngành liên quan. Ví dụ như mới đây có hàng nghìn học sinh sinh viên đã xuống đường ở thủ đô Hà Nội để hưởng ứng ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”.

Theo thống kê, 70% thanh niên, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên lái xe không giấy phép. Số vụ tai nạn do họ gây ra cũng chiếm hàng chục phần trăm trong tổng số. Nếu các bạn trẻ ý thức tốt về cộng đồng về xã hội thì họ sẽ chấp hành nghiêm túc các qui định khi tham gia giao thông và số vụ tai nạn sẽ giảm.

Hay một ví dụ khác là hơn 60% sinh viên ra trường hiện nay không tìm được việc làm, hơn 70% phải làm trái ngành nghề. Loại trừ những sinh viên lệch chuẩn theo kiểu chưa vững cơ bản đã chăm chăm học sở đoản núp dưới cách gọi là “kĩ năng mềm”, thì vấn đề không chỉ nằm ở các bạn trẻ nữa mà chính là ở cách đào tạo của chúng ta còn quá xa với thực tiễn.

Và còn nữa, nhiều học sinh sinh viên du học ở nước ngoài sau này có trở về cống hiến trí tuệ và tuổi trẻ của mình cho đất nước? Tại sao sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa sẵn sàng về công tác ở miền núi, vùng sâu xa khó khăn?  Hay là hàng trăm phó chủ tịch xã mới về các huyện nghèo thì có phát huy được năng lực hay không? 

Những câu hỏi này chỉ riêng Hội sinh viên hay Đoàn thanh niên thì không trả lời được. Cũng không một bộ ngành hay địa phương nào trả lời được. Bởi đó là công việc, là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng câu trả lời cuối cùng và đầy đủ nhất chính là sự nỗ lực vươn lên không ngừng của mỗi bạn trẻ ngay từ tuổi học sinh sinh viên./.