Dư luận xã hội lại tỏ ra lo lắng khi hàng loạt vụ nhập thiết bị y tế cũ nát bằng đường hàng không bị hải quan bắt giữ gần đây. Vì hám lợi, một số doanh nghiệp đã lách luật, nhập những thứ xem như rác thải về Việt Nam, để rồi, dưới cái mác hiện đại, tiên tiến, những thiết bị này biến thành những cỗ máy moi tiền người bệnh với giá cao bằng những bản kết quả chẩn đoán mù mờ, chỉ định điều trị sai. Điều đáng nói là một số vụ nhập lậu lại được tiếp sức bởi những tờ giấy phép được cấp từ các cơ quan chức năng của Bộ Y tế.
Cuộc sống phát triển, yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng, bệnh viện nào cũng có phòng khám dịch vụ, khoa điều trị theo yêu cầu. Các bác sĩ hùn vốn với nhau, hoặc bệnh viện liên kết với doanh nghiệp bên ngoài để trang bị máy móc, đưa vào khám chữa bệnh và thu tiền dịch vụ.
Cơ quan chức năng phát hiện máy nội soi và linh kiện đã qua sử dụng (Ảnh: báo Công thương) |
Cùng với đó là các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư cũng xuất hiện như nấm sau mưa với những lời quảng cáo mỹ miều là “đội ngũ bác sĩ lành nghề, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại, tiên tiến” nhằm thu hút bệnh nhân. Có cầu ắt có cung, sự ra đời hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế đã đáp ứng nhu cầu đó.
Thế nhưng vài tháng trở lại đây, khi Hải quan sân bay Nội Bài liên tiếp bắt giữ nhiều vụ nhập lậu thiết bị y tế đã qua sử dụng bằng đường hàng không thì mọi người mới biết hóa ra lâu nay, nhiều lô hàng gồm máy chẩn đoán hình ảnh, máy xét nghiệm sinh hóa, siêu âm… được quảng cáo ầm ĩ là hiện đại, tối tân nhất của Mỹ, Nhật, Đức được các doanh nghiệp nhập vào Việt Nam hầu hết là thiết bị cũ kỹ, có loại được sản xuất từ 10 – 15 năm trước và hiện không còn sản xuất nữa. Số lượng nhập khẩu cũng rất nhiều. Bởi như lời khai của Công ty TNHH Bảo Trân, trụ sở đăng ký ở đường Trần Duy Hưng - Hà Nội, thì ngoài lô hàng vừa bị bắt, trước đó họ đã nhập 7 lô hàng tương tự; hay như Công ty TNHH Y tế Nam Việt ở Cầu Giấy, Hà Nội nhập 2 container thiết bị y tế qua cảng Hải Phòng, kiểm tra toàn là thiết bị đã qua sử dụng…
Theo quy định của pháp luật, thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn loại máy liên quan đến chẩn đoán bệnh phải nhập mới 100% và phải được sự cho phép của Bộ. Thế thì bằng con đường nào mà thiết bị y tế cũ nát lại “đội lốt” hàng mới vào được Việt Nam. Liệu có phải những người có trách nhiệm ở Bộ Y tế đã bị doanh nghiệp qua mặt khi xin phép nhập khẩu thiết bị mới nhưng lại nhập hàng cũ đã qua sử dụng. Hay là đã có sự bao che, tiếp tay để các doanh nghiệp này ngang nhiên coi thường pháp luật, trục lợi bằng việc làm thất nhân tâm.
Đơn cử như đơn xin nhập khẩu máy chẩn đoán hình ảnh hiệu HITACHI 911, được ông Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và Công trình Y tế cấp phép năm 2012 cho Công ty Bảo Trân, được ghi là máy mới 100%. Thế nhưng, điều trớ trêu là dòng máy này ra đời từ năm 1997 và hiện cũng không còn sản xuất nữa. Trong thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến, liệu có ai tin, một dòng máy sản xuất cách nay hơn 15 năm lại được xem là máy mới 100%, được một Hội đồng khoa học của Bộ thông qua và được cấp phép nhập khẩu hợp pháp! Trên thực tế thì lô hàng mà Công ty Bảo Trân bị bắt là máy cũ, được thu gom, rồi sơn phết lại để nhập vào Việt Nam. Bởi thế, dư luận có quyền hoài nghi: liệu có gì khuất tất xung quanh những tờ giấy phép mới trên đống hàng cũ nát kiểu này của ngành Y tế?
Cấp phép mới để nhập máy cũ, đặc biệt là cấp phép cho cả những doanh nghiệp ma, không tồn tại trên thực tế, một số cá nhân trong ngành Y tế đang tiếp tay cho những kẻ làm ăn bất chính nhập thiết bị y tế rác, trục lợi trên sự khổ đau của người bệnh. Bởi thiết bị, máy móc cũ kỹ, lạc hậu khi vận hành, tất sẽ cho kết quả chẩn đoán sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chỉ định điều trị của thầy thuốc. Còn người bệnh thì tiền mất tật mang, vì đã tin vào cái mác “ tối tân, hiện đại” của những cỗ máy rác./.