Những ngày này, không khí Phật đản tràn ngập khắp các ngôi chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất trên cả nước. Ngày lễ trọng của Phật giáo không chỉ lan tỏa trong cộng đồng hơn 10 triệu người theo đạo Phật mà từ lâu đã trở thành một hoạt động văn hóa trong đời sống dân tộc. Cũng vì sự hiện diện lâu đời của tôn giáo này ở Việt Nam, cũng vì sự gần gũi, gắn bó qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đạo Phật rõ ràng có một chỗ đứng nhất định trong lòng dân tộc.
Năm nay, cũng giống như nhiều năm trước, mùa Phật đản không chỉ trang nghiêm, rực rỡ nơi cửa Phật mà còn đánh dấu bằng các hoạt động thăm hỏi giữa các cấp chính quyền và Giáo hội. Hoạt động này vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Phật giáo, vừa biểu hiện cao nhất cho tinh thần hòa quyện, gắn bó giữa Đạo với Đời, giữa Giáo hội với đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Đại lễ Phật đản tại Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TPHCM |
Nhưng, cũng giống như nhiều quốc gia khác, tạo điều kiện cho người dân tự do bày tỏ đức tin cũng đồng nghĩa với việc, Nhà nước phải có trách nhiệm ngăn chặn những hoạt động tôn giáo trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính.
Sau rất nhiều khó khăn, trăn trở, một đạo luật riêng về tín ngưỡng, tôn giáo cuối cùng cũng được Quốc hội bấm nút thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Văn bản này được coi là bước ngoặt lớn trong chính sách tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động tôn giáo trên thế giới rất đa dạng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tôn giáo cũng như công tác tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh những tôn giáo hoạt động ổn định, có đủ điều kiện theo Luật định đã được Nhà nước cấp phép đăng ký hoạt động, công nhận về tổ chức thì còn nhiều hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trong đó có hiện tượng phản văn hóa thể hiện lối sống lệch lạc trái với các giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và vi phạm pháp luật;… Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Ngày Phật đản- ngày lễ trọng của Phật giáo cũng giống như Lễ Giáng sinh của đồng bào công giáo hay Tin lành. Các hoạt động thăm hỏi của các cấp chính quyền không chỉ thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với tôn giáo mà còn khẳng định quan điểm bình đẳng, tôn trọng đối với các tôn giáo. Không tôn trọng sao được khi tôn giáo là một bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam, đóng góp sức người, sức của trong đấu tranh và xây dựng đất nước. Đồng thời, những giá trị đạo đức của tôn giáo còn góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Một mùa Phật đản nữa lại đến với bà con Phật giáo trên cả nước. Không khí hoan hỉ thấm đượm trên nhiều miền quê của tổ quốc. Mùa Phật đản cũng là dịp để các tăng ni, phật tử cùng nhắc nhau đoàn kết, hòa hợp, luôn đặt sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh và trang nghiêm Giáo hội lên hàng đầu, giữ vững kỷ cương, giới luật, bản lĩnh nhập thế để xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc./.