Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay đã bắt đầu, với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Đây là cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm trong năm, với kỳ vọng, và cũng là mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

thuc_pham_ban_wyii.jpg
Bì lợn ngâm hóa chất được phát hiện tại một cơ sở ở quận 8, TPHCM (Ảnh: Vietnamnet)
Một thực tế đáng buồn là vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng, khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin về chất lượng hàng hóa nông sản thực phẩm, bởi khó lòng trở thành “người tiêu dùng thông thái” khi mà việc kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm vẫn đang là khâu yếu kém.

Thông tin khiến không ít người tiêu dùng kinh hãi, là cách đây ít ngày, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt quả tang một cơ sở chế biến, kinh doanh bì lợn ở quận 8, với hàng trăm cân bì lợn bị ngâm hóa chất. Tang vật thu giữ được còn có 4 cân hóa chất dạng bột và tinh thể để ngâm tẩy trắng, làm nở bì. Điều khủng khiếp nhất là trước khi bị phát giác, thì mỗi ngày, cơ sở sản xuất bì bẩn này tiêu thụ hàng trăm kg cho các địa điểm kinh doanh ăn uống trên khắp thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Tây. Tính ra, mỗi ngày có cả ngàn người tiêu dùng đã ăn phải thứ thực phẩm bẩn này, hậu quả chưa thể đo đếm được.

Hậu quả của tiêu dùng thực phẩm không an toàn, theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, quý I vừa rồi, trên địa bàn cả nước xảy ra 23 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 789 người bị ngộ độc, trong đó 6 trường hợp tử vong.

Xin được nhắc lại, đây chỉ là những con số thống kê các vụ ngộ độc nghiêm trọng, có báo cáo. Và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn hậu quả do hóa chất bảo quản, tẩm ướp, chất kích thích tăng trưởng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật phát tác lâu dài, thì khó mà tính cho được. Giờ đây, thường có sự liên tưởng về tình trạng thực phẩm mất an toàn, nhiễm các loại hóa chất độc hại, với tỉ lệ người mắc các loại ung thư đang gia tăng nhanh chóng ở nước ta.

Thực phẩm bẩn tràn lan, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, và mất niềm tin, bởi ngay cả rau củ gọi là an toàn, có tem-nhãn trong siêu thị- được tiếng là những địa chỉ kinh doanh văn minh, có khả năng kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, còn bị “trộn”, thì ai có thể bảo đảm được những thứ bày bán ở chợ chất lượng ra sao?

Hiện nay, tại các đô thị đang có trào lưu trồng rau ở hộp xốp trong nhà, thuê đất ngoại thành hay về quê tự trồng rau, chăn nuôi lợn, gà. Xu hướng “tự cung tự cấp” này, ngoài ý nghĩa tích cực, là giúp người thành phố tìm niềm vui từ nuôi-trồng, giảm căng thẳng trong công việc, có nguồn thực phẩm sạch, đáng tin cậy, thì đây thực sự là dấu hiệu, chỉ báo cho thấy sự thất bại của việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách mà không phải ai cũng có điều kiện để làm như vậy.

Một môi trường kinh doanh mà thực phẩm bẩn - sạch lẫn lộn, cũng làm nản lòng những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh. Thực tế phát triển những vùng rau an toàn ở thủ đô Hà Nội thời gian vừa rồi cho thấy rõ điều này. Các hợp tác xã rau an toàn chật vật tiêu thụ sản phẩm, bởi giá cả ra thị trường khó cạnh tranh nổi với các loại rau quả từ các nguồn khác.         

Luật An toàn thực phẩm ra đời, thực thi 4 năm nay, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Chế tài xử phạt, theo nhiều chuyên gia, cũng đã rất đầy đủ. Vấn đề là công tác thanh kiểm tra, xử phạt như thế nào mà thôi. Nếu chỉ làm theo đợt, hình thức, cộng thêm những tiêu cực trong kiểm tra xử lý từ sản phẩm nhập khẩu cho tới sản xuất trong nước  thì đương nhiên vi phạm vẫn sẽ tràn lan.

Về lâu dài, là câu chuyện tổ chức sản xuất. Vấn đề “sản xuất thực phẩm theo chuỗi”, để có thể kiểm soát nguồn gốc chất lượng thực phẩm từ nông trại tới bàn ăn đã được nhắc tới từ lâu, và bàn thảo rất nhiều giữa 2 bộ Công thương và Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở vài chục mô hình, thí điểm và chưa có triển vọng nhân rộng.

Mất an toàn thực phẩm là nguy cơ, nhưng cũng tạo nên sức ép cho nhà quản lý, và mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư, phát triển thị trường thực phẩm an toàn, bởi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn là rất lớn, vấn đề là doanh nghiệp có tạo niềm tin, thuyết phục được người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hay không.

Chúng ta đã thấy xu hướng đầu tư vào nông nghiệp, của các doanh nghiệp mạnh trong nước và nước ngoài. Những Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Vingroup, Đức Long... đang có kế hoạch đầu tư bài bản vào chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Những doanh nghiệp của Nhật vào Việt Nam đầu tư rau sạch, nông nghiệp công nghệ cao... tạo nên những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ những hạt nhân, đầu kéo doanh nghiệp mạnh đó, có thể sẽ là sự khởi đầu, kiến tạo chuỗi sản xuất trong nông nghiệp sạch trong tương lai, để thực sự đưa Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” như gợi ý của chuyên gia marketing hàng đầu thế giới Philip Kotler, khi ông đánh giá về tiềm năng nông nghiệp và nghệ thuật ẩm thực của Việt nam.

Có lẽ, gợi ý hết sức lãng mạn này cũng là một định hướng đáng lưu tâm trong chiến lược phát triển, định vị thương hiệu quốc gia từ sự đa dạng phong phú về các loại thực phẩm nông nghiệp chất lượng, với nghệ thuật ẩm thực độc đáo, thay vì chăm chăm kỳ vọng vào những thứ công nghiệp mà Việt Nam không hề có một chút ưu thế và nền tảng căn bản nào./.