Cuối tuần qua, thị trường đã chứng kiến một đợt giảm giá mạnh của vàng. Thậm chí đã có thời điểm giá vàng xuống tới 34 triệu đồng/lượng. Nhưng dù xuống đến đâu, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới cùng thời điểm tới 5 - 6 triệu đồng/lượng. Thị trường và tâm lý người dân xáo trộn. Đã xuất hiện trở lại cảnh đứng hàng trong mưa chờ mua vàng. Và đó đây đã có những khen chê sau hơn một năm thực hiện Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Diễn biến thị trường vàng gần 1 tuần qua khiến nhiều người dân băn khoăn với hàng loạt câu hỏi: giá vàng sẽ tiếp tục tăng hay giảm? Thị trường vàng sẽ đi về đâu? Liệu có xảy ra cảnh sốt vàng như 3 năm về trước? Có nên mua vàng tích trữ vào thời điểm này hay không? Băn khoăn cũng là điều dễ hiểu, vì những chao đảo của thị trường vàng mấy ngày qua đã khiến người có vàng dở khóc dở cười. Mọi quyết định trong thời điểm này đều có thể trở nên vội vàng.

mua-vang.jpg
Người dân đổ xô đi mua vàng hôm 28/6

Tuy nhiên, nếu nhìn lại diễn biến cả một quá trình sau hơn một năm thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng thì diễn biến này không có gì là bất ngờ. Giá vàng trong nước đương nhiên sẽ phải diễn biến xuôi chiều theo giá thế giới, vì chúng ta không thể đứng một mình một chợ. Có điều, dù xuôi chiều, thì khoảng cách giữa giá trong nước và giá thế giới vẫn khá xa.

Như vậy, liệu đã có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã thực sự thành công với việc quản lý thị trường vàng? Câu trả lời thẳng thắn là: nói như vậy còn khá sớm. Chúng ta đã có những thành công nhất định, và cũng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Thành công đầu tiên có thể kể đến là giảm dần việc sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán hay tâm lý coi vàng như một thứ tiền tệ đặc biệt của người dân. Vàng giờ đây theo quy định của pháp luật chỉ còn là tài sản cất giữ. Và việc cất giữ vàng nếu người dân muốn thì chỉ có thể thuê ngân hàng chứ không thể gửi lấy lãi như trước kia. Thành công thứ hai là tình trạng đổ xô găm giữ vàng chưa hẳn đã chấm dứt nhưng cũng hạn chế hơn, cho tới đợt giảm giá sốc vừa rồi. Việc kinh doanh vàng cũng bài bản hơn với số lượng cửa hàng chỉ còn xấp xỉ 2500 điểm và nguồn vàng cung ứng cho các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng chủ yếu là thông qua đấu thầu.

Nhưng bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, công  tác quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập. Việc giá vàng trong nước càng ngày càng chênh lệch với giá vàng thế giới cho thấy điều đó. Thật khó chấp nhận mức chênh lệch từ 4 - 6 triệu đồng/lượng, tương đương 10% - 15% giá trị của một lượng vàng. Cho dù biện minh bằng bất cứ lý do nào thì điều này cũng là bất công với những người có nhu cầu sử dụng vàng (bao gồm vàng miếng và vàng trang sức) trong nước. Thứ hai, theo phân tích của các chuyên gia tài chính thì ngay cả cơ chế đấu thầu cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thị trường.

Vào lúc này, câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đang đặt ra là giá vàng sẽ diễn biến như thế nào? Tăng trở lại như mấy ngày đầu tuần này? Tiếp tục giảm như cuối tuần trước? Hay sẽ nhảy múa? Có nên mua vàng tại thời điểm này hay không? Và một câu hỏi quan trọng hơn: tương lai thị trường vàng nước ta sẽ ra sao?

Tất nhiên, suy nghĩ một cách tích cực thì trong tương lai lâu dài, giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá vàng thế giới. Tăng theo xu hướng tăng của thế giới và giảm theo hướng giảm của thế giới, với mức độ chênh lệch giá và độ trễ không quá lớn như hiện nay. Nhưng để đạt được điều đó thì câu chuyện quản lý thị trường vàng không thể chỉ sử dụng toàn biện pháp hành chính như hiện nay, mà cần cân nhắc tới yếu tố thị trường, cung cầu.

Những điểm chưa thuận lợi trong Nghị định 24 cần được cân nhắc để sửa đổi như quy chế đấu thầu, biện pháp chống đầu cơ...  Mục đích cuối cùng của các giải pháp hiện tại vẫn là huy động lượng vàng trong dân với số lượng khoảng 500 tấn để phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Để làm được điều này thì chúng ta cũng cần chuyển dần từ giao dịch vàng vật chất hiện tại sang giao dịch vàng phái sinh bằng giấy tờ bảo đảm.

Riêng đối với các nhà đầu tư cá nhân, câu trả lời lúc này vẫn là chớ vội với vàng, khi mức chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới quá cao như hiện nay, quyết định mua vàng tích trữ được đưa ra sớm rất có thể sẽ khiến người mua vàng chịu thiệt khi giá đảo chiều./.