Năm bệnh viện lớn tại Hà Nội là: Việt Đức, Bạch Mai, E, K và Phụ sản Trung ương vừa kí cam kết với Bộ Y tế về thực hiện Qui tắc ứng xử nâng cao y đức, xây dựng bệnh viện văn minh. Nhiều tiêu chí được đưa ra, trong đó có việc nói không với phong bì.

Theo đó, cùng với cải cách thủ tục qui trình thăm khám xét nghiệm, giảm phiền hà cho người bệnh, cán bộ y tế được yêu cầu phải thân thiện chu đáo, nói không với phong bì, tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Nhằm mục tiêu xây dựng một nền y tế minh bạch-chất lượng, lần đầu tiên ngành y tế chủ động công khai những số liệu điều tra mà trước đây được cho là nhạy cảm. Chẳng hạn, theo kết quả nghiên cứu thực hiện năm 2010 thì nhân viên y tế mới vào nghề rất dễ nói không với phong bì, nhưng chỉ sau 1 năm sẽ coi việc nhận phong bì của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là chuyện bình thường.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, phong bì không làm cho chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên, mà ngược lại đã làm giảm sút niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế và các bệnh viện, cơ sở điều trị.

Nghiêm trọng hơn, phong bì làm cho cán bộ, nhân viên y tế nghi ngờ lẫn nhau, nhiều nơi mất đoàn kết nghiêm trọng. Cũng may là còn khá đông y bác sĩ, điều dưỡng viên nói không với phong bì, bởi đạo đức nghề nghiệp không cho phép họ “sống trên xương máu của người bệnh”.  

y%20duc.jpg
Sự quyết tâm của Ngành Y tế sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh? (Ảnh minh họa)

Công khai nhìn nhận thẳng vào khiếm khuyết tiêu cực là bước đầu tiên để mọi người tin tưởng vào quyết tâm minh bạch của ngành Y tế, đồng thời mong đợi về một kết quả khả quan.

Tuy nhiên, từ quyết tâm đến thực tế là một khoảng cách không dễ vượt qua, đặc biệt là đối với ngành Y tế, đối với những người hành nghề chữa bệnh cứu người vô cùng cao quí nhưng cũng đầy thách thức trong cơ chế thị trường này.

Khi mà hệ thống y tế bị quá tải không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân “dấm dúi” phong bì cho bác sĩ, y tá và nhân viên y tế.

Rồi bảng giá dịch vụ y tế hiện nay đã quá lạc hậu. Với đề xuất tăng giá dịch vụ y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế phải nói thẳng ra rằng, giá rẻ mà đòi hỏi chất lượng tốt là điều không tưởng. Vậy nên, cam kết nói không với phong bì, cho dù mới khởi động ở 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội, rất có thể sẽ rơi vào tình trạng hô hào thì mạnh, nhưng rồi lại chìm đi như chưa hề có.

Và khi đó, giống như việc vận động người tiêu dùng phải thông thái, ngành y tế sẽ nói rằng, để cán bộ nhân viên y tế nói không với phong bì rất cần cách ứng xử của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tức là trước hết họ phải không đưa phong bì khi đi khám chữa bệnh.

Thực ra, người bệnh và người nhà bệnh nhân sau khi được điều trị muốn cảm ơn những người đã cứu chữa cho mình là hành vi văn hoá rất nên cổ vũ khuyến khích. Nhưng thời buổi “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã làm cho nét văn hoá đầy tình người ấy bị dung tục hoá đi thành cái gọi là “văn hoá phong bì”.

Có người cho rằng không nên gọi tệ nạn phong bì là “văn hoá”. Tuy là tệ nạn nhưng dường như ai cũng làm và không ai muốn nói thẳng ra về nó. Khi đã coi như một sự đương nhiên, tức là đã thành lối sống, đã hằn vào nếp nghĩ của mỗi người, thì nó rất gần với văn hoá. Không dễ dàng gì thay đổi một lối hành xử như vậy nếu chỉ dừng lại ở sự hô hào nêu cao quyết tâm.

Song, nói đi cũng phải nói lại. Trong tình thế như hiện nay, nếu không có sự hô hào nêu cao quyết tâm thì cũng không thể thay đổi được điều gì. Hy vọng mọi người, toàn xã hội sẽ chung sức với ngành Y tế để giám sát việc thực hiện cam kết của các bệnh viện một cách khách quan, công tâm.

Song song với đó, để cán bộ nhân viên y tế nói không với phong bì cần có sự thay đổi căn bản trong chính sách đối với ngành này, làm sao để họ có thu nhập cao ở mức xứng đáng với tâm đức của những người hành nghề chữa bệnh cứu người./.