Sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện, nạn nhân Bùi Hoàng Thiên Phương (17 tuổi) bị chém đứt lìa tay khi bị trên sát trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp (TP HCM) đã tử vong. Trước đó, những vụ án “tày trời” như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, vụ Nguyễn Hải Dương ở Bình Phước… đã gây rúng động dư luận, gióng lên hồi chuông cảnh báo với toàn xã hội, đặc biệt với những gia đình có con em đang tuổi vị thành niên, tuổi thành niên phải hết sức lưu tâm.

Ngoài các vụ án lớn kể trên, thời gian qua, thông tin về những vụ chém giết, truy sát… không phải là chuyện hiếm. Đặc biệt, hành động côn đồ này chủ yếu xuất hiện ở những nhóm thanh niên, những người trẻ tuổi. Điều này, khiến nhiều người khi ra đường hoặc khi đã ở trong nhà mình vẫn nơm nớp lo sợ.

Tội phạm hình sự nói chung và cách hành xử theo kiểu côn đồ đang ngày càng trẻ hóa khiến nhiều người lo ngại. Nếu như trước đây, cách hành xử “giang hồ” xuất hiện ở những thanh thiếu niên hư hỏng, sớm bỏ học, hoặc không có sự quan tâm giáo dục của gia đình, cha mẹ ly hôn, quá chiều chuộng thì thời gian gần đây, những vụ án mạng nghiêm trọng lại xảy ra ở chính những ngôi trường phổ thông, đại học mà các thanh thiếu niên này đang theo học.

Thói hung hãn, côn đồ của nhiều thanh, thiếu niên được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Tham gia giao thông, chẳng may va quẹt, họ sai mười mươi nhưng vẫn có thể “lật ngược tình thế”, lấn lướt người đi đường, thậm chí vác gạch đá, mũ bảo hiểm “phang” lại ngay. Hay chỉ là một mâu thuẫn nhỏ trong giao tiếp hàng ngày với bạn bè, hàng xóm là sẵn sàng tước đi sinh mạng của người khác. Họ coi mạng sống của những người xung quanh và của chính mình như cỏ rác. Không ưng mắt thì chém người. Không hài lòng với gia đình, cha mẹ thì nhảy cầu, tự vẫn…

Căn nguyên của những hành vi này rất nhiều, có thể từ gia đình, từ xã hội và từ chính bản thân mỗi người, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là “lệch chuẩn” trong ứng xử với các hành vi xã hội; trong việc giáo dục, định hướng cho các em về đạo đức, ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng. Và quan trọng  hơn, bản thân nhiều người lớn còn hành xử như côn đồ thì tránh sao được chuyện các em “noi theo” họ?

Và khi những phim ảnh, game bạo lực vẫn còn tràn lan; môi trường giáo dục chưa chuẩn (thầy cô còn đánh chửi nhau, dùng bạo lực với chính học trò… ) thì khó có thể ngăn chặn những hành vi ngông cuồng, thích thể hiện mình của nhiều bạn trẻ.

Ngoài ra, chuyện tự xử trong những tranh chấp dân sự cũng là một nguyên nhân làm xuất hiện nhiều côn đồ”. Khi nảy sinh các tranh chấp, mâu thuẫn, nếu ở nước ngoài thì họ gọi ngay cảnh sát tới. Nhưng ở ta, việc đầu tiên họ làm là tự mình giải quyết. Đến khi vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân thì pháp luật mới can thiệp. Nhiều vụ việc, chỉ đến khi xảy ra chuyện đánh đập, đổ máu, mất mạng thì người ta mới nghĩ đến cảnh sát, công an, cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trước thực tế, nhiều người đã từng làm ơn mắc oán và thậm chí là đã mất mạng vì làm phước đã tạo ra một tâm lý chung trong toàn xã hội là thấy có vụ việc gì thì nên tránh xa. Đặc biệt, khi thấy đám “choai choai” ẩu đả thì chẳng ai muốn động vào, ngoài các anh cảnh sát vì đó là nhiệm vụ của họ. Đây cũng chính là mảnh đất để nuôi dưỡng những hành vi bạo lực, những thói côn đồ của thanh niên, thiếu niên.

Làm gì để kéo giảm những hành xử côn đồ trong thanh thiếu niên? Điều đầu tiên có thể nghĩ tới là pháp luật phải nghiêm (nghiêm khắc trong việc điều chỉnh hành vi, trong việc xử phạt vi phạm); gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần chung tay trong việc định hướng hành vi, giáo dục đạo đức cho các em. Để xảy ra những hành vi, hậu quả đáng tiếc gia đình không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, xã hội mà trong đó các bậc làm cha, làm mẹ cũng phải có một phần trách nhiệm./.