Những ngày này, dư luận đang hết sức bất bình khi báo chí đồng loạt đưa tin về mức lương cao ngất ngưởng của cán bộ quản lý tại một số công ty công ích ở thành phố Hồ Chí Minh. Vì sao lại có mức lương “khủng” như vậy? Theo quy định của pháp luật, những viên chức này sẽ bị xử lý như thế nào?
Mức lương của ông giám đốc Công ty Thoát nước đô thị: 2,6 tỷ đồng một năm là mức lương mà người lao động có nằm mơ cũng không bao giờ thấy.
Người lao động không dám mơ tới mức lương "khủng" như lãnh đạo của mình (Ảnh: Dân trí) |
Có người đưa ra một phép so sánh rằng: với mức lương như vậy, vị chi mỗi ngày ông Giám đốc này nhận tới 8,3 triệu đồng - bằng với mức lương cả tháng của một công nhân sau 30 ngày lặn ngụp dưới lòng cống hôi thối. Thậm chí, nó còn cao gấp đôi lương tháng của hàng trăm người lao động bị Công ty chèn ép bằng thủ thuật ký hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng để trốn đóng bảo hiểm xã hội, bớt xén tiền lương và phúc lợi xã hội của họ.
Cái đáng lên án ở đây là cá nhân ông Giám đốc và Ban lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh đã “vô tư” nhận mức lương cao ngất ngưởng ấy mà không hề mảy may suy nghĩ. Họ thừa biết rằng các công nhân của họ đã vô cùng vất vả, phải hàng ngày, hàng giờ chui rúc dưới lòng cống, đối mặt với bao nhiêu bất trắc, hiểm nguy, thậm chí nhiều người còn bị chết ngạt dưới cống.
Chính bởi vậy, thật chua chát khi có người so sánh lòng tham của những vị Giám đốc này còn cao hơn cả những địa chủ ngày xưa. Họ làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người lao động. Và nhiều người cho rằng: đây cũng là một dạng tham nhũng cần loại bỏ.
Thử đi tìm nguyên nhân của tình trạng này: nguyên nhân sâu xa chính là do cơ chế độc quyền vốn tồn tại lâu nay. Sự độc quyền ấy đã biến thành đặc quyền của lãnh đạo doanh nghiệp, lợi dụng cơ chế, đặc quyền để làm giàu cho cá nhân. Và đây là tình trạng chung của nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên,
Nhiều người đặt câu hỏi, lâu nay chúng ta đưa lương vào thẻ ATM để kiểm soát tham nhũng, vậy mấy vị Giám đốc này nhận lương từ đâu mà Nhà nước không kiểm soát nổi? Trách nhiệm quản lý Nhà nước ở đây là như thế nào? Hơn nữa, mức lương này đã kéo dài bao lâu, tại sao không ai biết? Đây là một biểu hiểu của sự buông lỏng quản lý.
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa ra kết luận, yêu cầu Công ty Thoát nước đô thị thành phố thu hồi toàn bộ tiền lương chi sai quy định. 3 Công ty Thoát nước đô thị, Chiếu sáng Công cộng thành phố và Công ty Công trình giao thông Sài Gòn kiểm tra nội bộ để tự phát hiện việc chi tiền lương thưởng sai quy định từ trước năm 2011, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai. Các Công ty này cũng phải báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập bất thường của viên chức quản lý.
Các vị Giám đốc này đã cố tình lách luật để sống phè phỡn trên công sức của những người lao động. Đây không chỉ đơn thuần là sự vô tâm, vô cảm, sự vung tay quá trán, bởi họ đã cố tình không ký hợp đồng dài hạn với người lao động, dối trá khi báo cáo rằng lương bình quân của người lao động là gần 53 triệu đồng một người một tháng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đội ngũ quản lý của 3 Công ty này nhận lương cao ngất ngưởng, chỉ là những trường hợp điển hình. Hẳn chúng ta còn nhớ: theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex kinh doanh thu lỗ gần 1.700 tỷ đồng, nhưng lương của lanh đạo Tập đoàn vẫn ở mức 40- 50 triệu đồng một tháng.
Mặt khác, theo Kiểm toán Nhà nước thì thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân tại các đơn vị thành viên. Rõ ràng, cơ chế tiền lương, đặc biệt là lương của các cấp lanh đạo đơn vị còn nhiều bất cập.
Nếu chúng ta không có ngay những giải pháp cho tình trạng này thì đây sẽ là cơ hội cho tham nhũng ngày càng phát triển, thậm chí đã sẽ là mối nguy cho sự phát triển đất nước./.