Cả năm giới truyền thông đã phân tích mổ xẻ vấn đề giáo dục nước nhà ở mọi góc độ. Có lẽ chưa bao giờ ngành giáo dục lại chịu nhiều sức ép đến vậy. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúng ta cùng bình tâm suy ngẫm xem xã hội đã tác động đến giáo dục như thế nào. 

Lâu nay có những người khá giả vẫn công khai nói về giá trị của đồng tiền trong thời kinh tế thị trường. Một vài người năng động đã đạt đến đỉnh vinh quang nhờ vận dụng triệt để mặt trái của chủ trương xã hội hóa. Ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, có nơi, có lúc việc xã hội hóa đã tạo ra sự không minh bạch và đó là miếng đất mầu mỡ cho những kẻ làm giầu bằng mọi giá. Rồi bệnh thành tích, chạy theo những giá trị ảo của một bộ phận không nhỏ người lớn đã thành trào lưu. Và giờ đây dường như những triết lý sống lệch lạc, sự vận dụng những kẽ hở pháp lý ấy, sự lẫn lộn giá trị thật ảo như “cơn gió độc” tàn phá xã hội. Giáo dục là môi trường mở liệu có tránh được ảnh hưởng của “cơn gió độc”? 

giao_vien1_ordt.jpgảnh minh họa

Nếu “cơn gió độc” ấy tàn phá xã hội thì nó cũng ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Trường học là môi trường chuẩn mực, cần những nội quy rõ ràng, cụ thể. Những quy tắc ấy đòi hỏi phải được tuân thủ nghiêm túc và mọi sự vận dụng đều có thể làm méo mó những chuẩn mực ấy. Học sinh là những trang giấy trắng. Những triết lý sống độc hại rất dễ tác động làm tổn thương những tâm hồn trong trắng. Và bệnh thành tích, có thể biến trẻ em thành những "con tin" của người lớn. 

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”- Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Đó là truyền thông tôn sự trọng đạo tốt đẹp của người Việt. Truyền thống ấy chưa bao giờ mai một. Nhưng hiện tại, những “làn gió độc” đang ít nhiều làm ảnh hưởng đến những giá trị ấy. Nếu ai đó tôn thờ cái triết lý lệch lạc “Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền" - hẳn họ cũng không muốn con cái mình tin vào triết lý ấy. Nhưng có thể họ không đừng được cái ham muốn con cái mình có những điểm tốt đỏ chói, những học bạ không thể đẹp hơn, bất kể học lực thực thế nào. Những người giỏi vận dụng, vượt rào, làm giầu bằng mọi giá tuy không khuyến khích, nhưng lại là tấm gương để con cái họ có được những thành tích học tập tốt dù là gian lận. Và những người mắc “bệnh thành tích” sẵn sàng khuyến khích con mình không được thua kém bạn bè, bất kể năng lực thực sự của con cái mình ra sao.   

Nói ra những thực tế đáng buốn ấy vào ngày này, ngày tôn vinh các nhà giáo có thể có người cho là bất nhẫn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nói ra điều này để xã hội thấy được các thầy giáo, cô giáo chịu nhiều áp lực biết nhường nào. Trước hết là sứ mệnh cao cả - trồng người, truyền lửa sáng tạo cho thế hệ trẻ. Trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà với những đề án đổi mới sách giáo khoa, đề án đổi mới cách dạy và học, đổi mới cách đánh giá học sinh, người thầy vẫn là nhân tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng khó thoát được áp lực cơm áo thông thường. Trong bối cảnh ấy thật không dễ dàng để giữ một môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn những suy nghĩ độc hại bám rễ phát triển?  

Ở trường, thầy cô giáo dùng mực đỏ chấm điểm và nhận xét học sinh. Mầu mực đỏ ấy đã giúp bao thế hệ học sinh trưởng thành và xã hội nhìn vào đó mà tin tưởng. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam - ngày tôn vinh nghề trồng người cao cả ấy, xin được nhắn nhủ thầy cô giáo luôn giữ mầu mực đỏ thiêng liêng ấy./.