Sau gần 100 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, thì cách đây 5 ngày, ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng đã xuất hiện tại Đà Nẵng. Đáng lo ngại là chỉ sau vài ngày, số ca bệnh tăng lên không ngừng và không chỉ xuất hiện tại Đà Nẵng mà đến nay đã lan ra 7 tỉnh, thành trong cả nước. Lo lắng hơn nữa là hiện nay chúng ta đang mất dấu F0 và các cơ quan chức năng đang phải huy động nhân lực, vật lực để truy vết.
Nhưng đáng lo hơn cả vẫn là ý thức phòng chống dịch của người dân có phần bị lơi lỏng. Sau thời gian không có ca lây nhiễm ở cộng đồng, nhiều người có vẻ như đã an tâm với việc dịch đã tạm lắng ở Việt Nam. Ra đường dễ dàng bắt gặp rất nhiều người không đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Dễ thấy nhất là ở các siêu thị, khu vui chơi giải trí, các điểm du lịch… nhiều người dường như quên mất việc đeo khẩu trang, vô tư cười nói, gần như không còn khoảng cách.
Tại nhiều bệnh viện, việc sàng lọc bệnh nhân có dấu hiệu ho sốt như những tháng có dịch cũng dường như được “gỡ bỏ”. Hay dễ thấy nhất là việc tại các chung cư, khu đông người, mặc dù vẫn có khuyến cáo đeo khẩu trang trong thang máy, sát khuẩn tay nhưng hầu như không ai còn quan tâm đến những việc như vậy.
Thời gian gần đây tại những nơi công cộng trên địa bàn thành phố, nhiều người dân Thủ đô có biểu hiện lơ là, không đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh. |
Và đến thời điểm này, khi mới trong 5 ngày đã có gần 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng với nhiều diễn biến khó lường, mặc dù nhiều cơ quan chức năng đã có khuyến cáo, ban hành các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, sát khuẩn... nhưng dường như nhiều người vẫn thờ ơ với khuyến cáo về dịch. Tại Hà Nội, ở ngoài đường, nhiều người vẫn không tuân thủ quy định về đeo khẩu trang, các hàng quán, quán nước, ở những nơi công cộng vẫn tụ tập đông người, ăn uống cười nói như không hề có dịch xảy ra.
Chúng ta còn nhớ, trong đợt dịch lần trước, mặc dù là lần đầu tiên ứng phó với một loại dịch bệnh nguy hiểm mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng phải lao đao, khốn đốn thì Việt Nam đã đạt được những kết quả có thể nói là kỳ tích. Kinh nghiệm về chống dịch của Việt Nam được nhiều nước, tổ chức mong muốn được học hỏi. Để có được những kết quả đó, trước hết phải khẳng định là sự chỉ đạo, quyết tâm của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, của toàn xã hội, nhưng sự đoàn kết, đồng lòng và ý thức của từng người dân đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống giặc Covid. Từng người dân đều ý thức được việc “chống dịch như chống giặc”, tự ý thức việc bảo vệ sức khỏe bản thân, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc mưu sinh, kinh doanh… nhưng khi có quy định về cách ly xã hội, phong tỏa các địa phương có dịch, tất cả người dân đều tự giác chấp hành.
Với cơ chế lây lan của dịch bệnh theo cấp lũy thừa, việc kiểm soát được các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc là vô cùng quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch. Còn nhớ chúng ta đã khá vất vả ở đợt dịch trước khi xuất hiện một vài bệnh nhân mà lịch trình chưa rõ ràng. Và trong đợt dịch lần này, chúng ta cũng đang vô cùng vất vả để truy vết dấu tích của F0 vì theo các chuyên gia y tế, khi truy vết để tìm ra nguồn lây, xác định rõ ràng mới có thể biện pháp phù hợp, chưa kể là kiểm soát việc lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong đợt dịch lần này, người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan chức năng một lần nữa đã khẳng định rõ quyết tâm dập dịch, chấp nhận sự hy sinh về kinh tế dù chúng ta mới gượng gậy trong một thời gian ngắn về dịch. Dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn coi sức khỏe của người dân là trên hết. Đã có nhiều chuyến bay đón đồng bào ở các nước về trong nước. Mới hôm qua, chúng ta đã đón 219 lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo, trong đó có 140 bệnh nhân mắc Covid-19 về nước điều trị khiến nhiều người xúc động. Đó là những cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước trong điều kiện đất nước còn gặp vô vàn khó khăn, lại đang phải đối mặt với đợt dịch mới có diễn biến, nguy cơ phức tạp, khó lường.
Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương, bộ ngành về công tác phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, tình hình phức tạp và diễn biến nhanh trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều nguy cơ lây nhiễm giữa các địa phương, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, không được để vỡ trận, không được chủ quan. Vì khi tình hình xấu rồi sẽ trở tay không kịp.
Thủ tướng: Quản lý chặt biên giới, truy vết nguồn lây Covid-19
Vì thế, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống, từ lực lượng y tế, hải quan trong việc quản lý xuất nhập cảnh, rà soát các đối tượng có nguy cơ cho đến tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, tổ chức xét nghiệm cách ly thì ý thức của mỗi người dân vô cùng quan trọng. Nếu mỗi người luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong việc tự bảo vệ bản thân, bảo vệ người thân bằng các biện pháp đã được các cơ quan y tế khuyến cáo như sát khuẩn, đeo khẩu trang… đến việc tuân thủ các quy định, khuyến cáo của chính quyền và các ngành chức năng, cũng như việc khai báo khi bản thân, cộng đồng có liên quan đến vùng dịch, người nghi mắc, người mắc Covid-19 cũng là đã góp phần rất lớn trong công cuộc phòng chống giặc Covid-19.
Với sự quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan ban, ngành và với kinh nghiệm của việc chống dịch ở lần trước, cũng như dịch quay trở lại cũng là trong dự liệu trong lúc dịch bệnh trên thế giới đang có những diễn biến khó lường, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng kiểm soát, phòng chống dịch của Việt Nam.
Và để góp phần quan trọng vào cuộc cuộc “chống giặc”, không thể không có sự tham gia tích cực của mỗi người dân- mắt xích quan trọng trong cuộc phòng chống Covid như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 mới đây “chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”./.