- Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp từ tháng 7
- 20.000 đồng và 3.000 tỷ đồng
- Nông dân sẽ được hỗ trợ khi gặp thiên tai
- Bảo hiểm nông nghiệp: Những khoảng trống cần lấp
Để hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố. Quyết định này đang được hàng triệu nông dân kỳ vọng, giúp bà con chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Mốc 1/7 đã đến song dường như mọi thủ tục, công việc để triển khai bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn rất lúng túng. Quyết định 135/TTg quy định đối tượng được bảo hiểm và khu vực được thực hiện thí điểm BHNN bao gồm: Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; Thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; Thực hiện bảo hiểm đối với nuôi cá tra, ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Vấn đề hiện nay là các địa phương đang rất loay hoay trong việc chọn địa điểm, mô hình để triển khai thí điểm bởi hiện tại các địa phương vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào từ phía Bộ, ngành liên quan. Thêm vào đó, một trong những điều kiện cần thiết để được hỗ trợ theo quyết định này là người dân phải thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, phòng dịch theo quyết định của Bộ NN&PTNT, mà cho đến nay quy trình này như thế nào thì các địa phương vẫn chưa được biết đến.
Cũng theo quy định tại Quyết định 315/TTg, người nông dân sẽ được hỗ trợ phí đóng bảo hiểm nông nghiệp lên tới 100% đối với các hộ nông dân, cá nhân nghèo, 80% cho cá nhân, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp cận nghèo, 60% đối với nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo và 20% cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp. Thực tế tại các địa phương cho thấy, không hộ nghèo nào đạt tiêu chuẩn để đạt tham gia bảo hiểm nông nghiệp, vì nếu theo tiêu chí hộ nghèo thì không có đất để sản xuất, mà không có đất sản xuất thì không thể tham gia BHNN được.
Một điểm nữa khiến người tham gia bảo hiểm và cả doanh nghiệp bảo hiểm lo ngại chính là cách tính rủi ro được dựa trên tiêu chí nào và làm sao để xác định đúng mức độ thiệt hại để cả người sản xuất và doanh nghiệp tham gia không thua lỗ. Theo Quyết định 315/TTg, căn cứ bồi thường được dựa trên chỉ số thời tiết, dịch bệnh, sản lượng có liên quan với thiệt hại… Tất nhiên, đây chỉ là những quy định rất chung, còn cụ thể phải được tính toán chi tiết và có số liệu cụ thể. Kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đi trước cho thấy muốn ra được bộ tiêu chí này phải có thời gian và thực tế để đánh giá, có nghĩ là phải có quá trình chứ không thể thực hiện ngay được.
Việt Nam là một trong những nước phải hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán, mỗi năm, tổng giá trị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của nước ta do những yếu tố khách quan lên đến gần 5% GDP của cả nước. Từ trước đến nay, tỷ trọng tham gia BHNN ở Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Mặc dù BHNN đã được triển khai ở Việt Nam từ rất lâu nhưng đều không mở rộng được. Nguyên nhân là do doanh nghiệp bảo hiểm thì thua lỗ, người nông dân thì không mấy mặn mà, thêm vào đó là chưa tìm ra được phương pháp đánh giá bảo hiểm cho phù hợp.
Nói như thế không có nghĩa là hoạt động dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp không phải không có những tiềm năng. Một đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số ở khu vực nông thôn, nếu khai thác tốt, sẽ là một hướng đi mới, nhất là khi thị trường bảo hiểm ở những vùng đô thị đang trở nên bão hòa. Ở các nước, loại hình bảo hiểm này rất phát triển và nông dân luôn là khách hàng tiềm năng của bảo hiểm.
Với người nông dân, mảnh ruộng, con trâu, con lợn được coi là tài sản đáng giá, khi mất đi những thứ này, đồng nghĩa với việc bị tụt xuống ngưỡng nghèo đói. Việc thực thi bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho nông dân chống đỡ với những biến cố quả là rất phù hợp và đúng với nguyện vọng của người dân. Trước nay, mỗi khi có biến cố, rất nhiều nông dân trở nên trắng tay, trở về với nghèo đói thì cả cộng đồng, Nhà nước và Chính phủ sẽ phải chung tay hỗ trợ. Trong các biện pháp hỗ trợ, cách làm thông qua các chương trình bảo hiểm sẽ bảo vệ được nông dân, phát huy tính chủ động của họ và có lẽ sẽ tiến tới giảm được chi phí bao cấp từ ngân sách.
Vấn đề của chúng ta là phải làm sao mở rộng được loại hình bảo hiểm nông nghiệp để cùng gánh vác với nông dân những lúc khó khăn về lâu dài, chứ không chỉ dừng lại ở vài năm trong thời gian thí điểm. Do vậy, nếu ngay từ khâu thí điểm đã không thành công và khó thu hút nông dân cũng như doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thì khó có thể trông mong vào một thị trường bảo hiểm nông nghiệp lành mạnh, lâu dài và bền vững./.