Trong 15 năm nay, năm nào cũng có Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động -phòng chống cháy nổ, nhưng tình hình tai nạn lao động xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Trong lĩnh vực này, cứ lơ là lúc nào thì mất an toàn và thiệt hại lúc đó và nguyên nhân chủ yếu do con người.

Cùng với Tuần lễ quốc gia được tổ chức 15 năm nay, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn vệ  sinh lao động giai đoạn 2011 – 2015 với mục tiêu mỗi năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người. Thế nhưng, năm 2012 số vụ tai nạn lao động vẫn tăng gần 15% so với năm 2011, làm gần 7.000 người bị nạn, trong đó có hơn 500 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 606 người, tăng 13%. Những địa phương để xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Bình Thuận.

Tuy nhiên, những con số đó còn xa với thực tế, bởi đa số các doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ. Thông thường, những vụ nghiêm trọng chết người mới có báo cáo vì không thể che giấu được, chiếm khoảng trên dưới 8%. Còn những vụ không chết người thì không báo cáo, hoặc có báo cáo cũng nhẹ đi rất nhiều.

chaynha.jpg
Phải mất đến 45 phút lực lượng cứu hỏa mới tìm được họng nước để chữa cháy tại ngôi nhà trên đường Âu Cơ

Không giống như thiên tai, tai nạn lao động không đổ tại trời được, nên hầu hết các vụ việc đều đổ lỗi về phía người lao động. Người lao động đã thiệt mạng hay bị thương tật rồi thì còn biết đổ tại ai ?! 

Đành rằng, trước hết là người lao động phải tự giác chấp hành nội qui an toàn, bởi chỉ cần chút sơ sảy không tuân thủ qui trình, hoặc lơ là khâu vệ sinh công nghiệp là có thể dẫn đến tai nạn. Nhưng những vụ việc ấy không thể chiếm đa số, bởi công tác tập huấn, tuyên truyền trong những năm gần đây được coi trọng hơn, trình độ và kĩ năng của người lao động cũng thường xuyên được nâng cao, và quan trọng nữa là nhu cầu an toàn của chính họ. Vậy, đa số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng còn có nguyên nhân từ đâu và tại sao ngày càng gia tăng?. Dễ thấy nhất là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính đã xem nhẹ, cắt giảm chi phí đầu tư cải tiến công nghệ, không quan tâm đến việc cải thiện điều kiện làm việc cũng như trang bị bảo hộ lao động. Đây cũng là lỗ hổng chủ quan mà trách nhiệm trước hết thuộc về chủ sử dụng lao động, cùng với đó là việc kiểm tra xử lí của cơ quan chức năng chưa triệt để, nhiều địa phương không coi trọng đúng mức vấn đề này.

Tuy nhiên, từ trước tới nay, rất hiếm vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng nào được cơ quan chức năng làm rõ và xử lí được những người có trách nhiệm như vừa nêu. Chủ doanh nghiệp còn phải lo công ăn việc làm cho nhiều người, cơ quan chức năng nêu lí do thiếu kinh phí và nhân lực, còn lãnh đạo địa phương thì cứ lấy mục tiêu tăng trưởng ra là có thể làm nhẹ đi trách nhiệm. Vậy nên, những lỗ hổng chủ quan ấy vẫn đang và có thể sẽ làm chết thêm nhiều người vì tai nạn lao động.

Còn một lỗ hổng chủ quan nữa là chúng ta chưa có Luật về an toàn lao động. Gần 20 năm nay, vấn đề hệ trọng này chỉ được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Bảo hộ lao động và những qui định cụ thể trong một số luật khác. Nội dung trải rộng mà không toàn diện và chặt chẽ, có chỗ chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực thi. Vì thế, xây dựng và ban hành Luật An toàn lao động đã trở thành việc làm cấp bách, được Quốc hội đưa vào chương trình và Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội chủ trì. Mong rằng Luật này sớm được ban hành và đi vào cuộc sống.

Có luật, người lao động mới thực hiện được trên thực tế quyền từ chối công việc khi thấy không an toàn, mà không sợ mất quyền lợi của mình theo hợp đồng lao động. Có luật, chủ đầu tư và nhà quản lí doanh nghiệp buộc phải quan tâm và có trách nhiệm đầy đủ với việc đảm bảo an toàn lao động, không thể lấy lí do khó khăn chung hay do khi nhận hợp đồng, công trình phải chi phí trung gian nhiều để mà xem nhẹ, cắt xén khoản chi này. Có luật, cơ quan chức năng và các địa phương không thể vin vào lí do này lí do khác để số vụ tai nạn lao động ngày càng tăng và nghiêm trọng hơn.

Lấp đầy những lỗ hổng chủ quan ấy giúp chúng ta hạn chế được số vụ tai nạn lao động đáng tiếc, khi xảy ra thì thiệt hại bớt nghiêm trọng, trách nhiệm được truy xuất rõ ràng và xử lí nghiêm minh. Lúc bấy giờ mới có thể nói tới “văn hóa an toàn lao động”, như một nội dung mà Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm nay nêu ra./.