Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng”. Trong tình hình hiện nay, công tác dân vận lại càng quan trọng hơn lúc nào hết. Có làm tốt công tác dân vận mới giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những bức xúc trong nhân dân; lòng dân mới yên, niềm tin của dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đội ngũ công bộc của dân mới được củng cố. Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Công an xã A Mú Sung ( huyện Bát Xát) tuyên truyền pháp luật cho người dân (Ảnh: baolaocai.vn) |
Điều Bác nhắc nhở luôn là thực tế, luôn mang tính thời sự, và đặc biệt đúng trong tình hình hiện nay. Nó đúng bởi, theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đã có không ít cán bộ, đảng viên xa rời nhân dân; có hành vi ứng xử không đúng mực với nhân dân, coi thường nhân dân, thậm chí vi phạm đạo lý, vi phạm pháp luật.
Có thực tế không thể phủ nhận là người dân đang mệt mỏi và lung lay lòng tin trước một số cán bộ thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức, quyền vun vén cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà quên đi nghĩa vụ với nhân dân.
Nếu như cán bộ vì dân, biết lắng nghe dân, giải quyết thấu tình, đạt lý cho dân thì đã không xảy ra những phản ứng dữ dội từ phía người dân như một số vụ việc trong lĩnh vực đất đai, môi trường, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong các mối quan hệ xã hội thời gian qua.
Có những phản ứng của người dân là phi lý, là vi phạm pháp luật. Nhưng cũng có nhiều sự phản ứng xuất phát từ cách ứng xử của cơ quan quản lý Nhà nước, chưa thực sự để dân hiểu, dân tin; chưa có sự minh bạch trong công tác quản lý, dẫn đến người dân bức xúc, tiêu cực.
Những bức xúc dần tích tụ trong nhân dân. Và khi người dân không thể nhẫn nại chịu đựng khi quyền, lợi ích chính đáng của mình bị xâm hại thì nỗi bức xúc ấy sẽ dễ dàng bùng phát khi bị kích động. Lúc đó, người dân và cả cơ quan chức năng dễ bị mất kiểm soát, gây bất ổn, gây ra những “điểm nóng”, thậm chí có nơi phải dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Việc làm đó rõ ràng không thể coi là xuất phát từ mục đích chung. Nó chỉ có thể được gọi là cách hành xử “phi dân vận” của cơ quan quản lý nhằm dùng quyền lực răn đe, xử lý những người dám phản ứng, dám chống đối. Một khi đã thành “điểm nóng”, đã có những hành vi vi phạm pháp luật thì công tác vận động nhân dân trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp.
Bởi thế, một yêu cầu căn bản được rút ra trong công tác vận động quần chúng là không để xảy ra điểm nóng, không để xảy ra và lây lan phản ứng tiêu cực trong nhân dân. Muốn vậy, người làm công tác dân vận phải xứng đáng là công bộc của dân; quan tâm đến lợi ích trực tiếp của dân; gần dân, hiểu dân và quan trọng là phải tin dân. Thực tế đã chứng minh rằng, trong bất kỳ lĩnh vực nào, vận động người dân tham gia các phong trào hay vận động họ không thực hiện hành vi trái pháp luật, đều cần những cán bộ thực sự vì dân. Người dân nhìn vào gương của cán bộ ấy để học theo, làm theo và thể hiện thái độ ứng xử.
Sau những vụ việc, hậu quả đáng tiếc xảy ra, điều thấy rõ là công tác dân vận ở những nơi này có vấn đề. Chính quyền và các đoàn thể chưa làm hết trách nhiệm của mình. Rõ ràng là, chỉ khi nào xác định được“bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” thì công tác vận động nhân dân, hay còn gọi là “dân vận” mới thực sự hiệu quả, mới làm yên lòng dân, mới luôn song hành cùng sự phát triển của đất nước. Bài học lớn nhất phải từ quyền lợi chính đáng của dân, chăm lo cho dân để có ý thức trách nhiệm, xử sự cho đúng pháp luật và đạo lý Việt Nam.
Điều đó càng được khẳng định bằng lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI, “đã đến lúc việc gần dân, lắng nghe dân, trọng dân, học dân phải được coi là mệnh lệnh của cuộc sống!”./.