Chẳng phải đến Tết dương lịch hay Nguyên Đán người ta mới biếu xén quà cáp, phong bì. Cái “lệ” ấy dường như đã thành một phong tục mỗi khi đến ngày lễ, tết, hội hè, sinh nhật, liên hoan...
Nói “không” với quà biếu, phong bì dịp lễ Tết, không phải lần đầu tiên chúng ta thực hiện. Những năm trước, một số lãnh đạo địa phương cũng đã tiên phong thực hiện việc không nhận quà Tết, phong bì. Cũng đã có người gửi toàn bộ số tiền được biếu để làm từ thiện… Nhưng đó chỉ là những việc làm của những cá nhân nhỏ lẻ, thậm chí, còn bị dư luận bàn tán ra vào. Cuối cùng cũng rơi vào quên lãng. Chuyện phong bì, phong bao lại vẫn nở rộ.
Biếu quà Tết, phong bì, phía sau nó là gì? Có phải đơn thuần là tình cảm giữa cá nhân với cá nhân và do sự kính trọng, nể phục? Câu chuyện quà tết không đơn giản là vậy. Phía sau nó ẩn chứa nhiều mục đích, vụ lợi. Đó nhiều khi là những nhóm thân hữu, là cơ hội để những người trong hệ thống quản lý Nhà nước tham nhũng, nhận hối lộ.
Hệ quả cũng những món quà Tết, những phong bì biếu xén là làm méo mó các quan hệ quản lý nhà nước, khiến thị trường và mọi quy luật xã hội không còn minh bạch, không có sự cạnh tranh lành mạnh. Và cuối cùng người tiêu dùng dù mất tiền nhưng không mua được sản phẩm, dịch vụ ưng ý; doanh nghiệp chân chính có năng lực không thể cạnh tranh một cách công bằng; nền kinh tế quốc dân không thể lớn mạnh; Lối làm ăn cậy nhờ quen biết, thân thế thắng cách làm ăn bài bản, khoa học, bền vững.
Chiếc phong bì rất nhỏ gọn nhưng chứa trong nó nhiều vấn đề khiến người dân và doanh nghiệp bức xúc, nhức nhối. Từ một phong tục đẹp “lì xì đầu năm” để lấy may mắn trở thành một vấn nạn khiến nhiều người thấy bất bình. Văn hóa phong bì, phong bao ăn sâu vào từng việc làm nhỏ nhất của người dân Việt Nam. Bé vừa chào đời ở bệnh viện, cha mẹ đã phải lo làm phong bì để cảm ơn bác sĩ; đi học mẫu giáo, gửi trẻ nếu đúng tuyến thì không mất phong bì chạy suất nhưng vào học kiểu gì cũng phải lo phong bì, quà cáp để cô trông con mình tốt hơn. Khi đi học thì phong bì, thăm nom thầy cô không phải là chuyện lạ. Ra trường, đi xin việc cũng phong bì… Nhiều người, khi xuôi tay về với đất, con cháu lo xong hậu sự cũng phải có tí phong bì để cảm ơn ai đó đã tạo điều kiện cho người quá cố chút mộ phần hoặc sự giúp đỡ nào đó.
Văn hóa phong bì đã ăn sâu đến mức nếu biết ơn ai đó mà chỉ nói lời cảm ơn không thì bị cho là sáo rỗng, là không biết điều.
Đã nhiều lần chúng ta nói “không với phong bì” nhưng vào dịp cuối năm là dễ thấy nhất. Chỉ quan sát ngoài đường là thấy, người và phương tiện giao thông như nêm, ùn tắc xảy ra khắp nơi. Ai cũng vội vàng, trên tay hoặc trong cốp xe thể nào cũng có vài túi quà, thùng đồ. Quà Tết, phong bì trong đấy cả.
Vậy tới bao giờ mới thay đổi được cái văn hóa phong bì ấy? Nghe chừng cũng nan giải nhưng không phải không thể làm được. Chính phủ đã có những động thái rất mạnh mẽ và tích cực nhằm cải cách cơ cấu kinh tế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, áp dụng các biện pháp, chế tài chống tham nhũng tại Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ đã nhìn thấy điều này và bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quyết tâm xoá quan hệ thân hữu gắn với ưu đãi ngầm, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nói không với thân hữu. Chừng nào vẫn còn cách quản lý, điều hành không minh bạch, thiếu công bằng thì chừng đó người ta vẫn dùng phong bì để giành lợi thế cho mình.
Bắt đầu từ một việc “nhỏ như cái phong bì” nhưng nó lại có sức ảnh hưởng ghê gớm, nếu dẹp được nạn này, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ hy vọng, có niềm tin vào một môi trường kinh tế, xã hội, kinh doanh minh bạch, cạnh tranh bình đẳng./.
“Cấp trên gương mẫu không nhận quà, cấp dưới không thể đến”