Theo dõi các buổi thảo luận tại Quốc hội trong tuần qua, chưa thấy có dự thảo luật nào lại được các đại biểu quan tâm phát biểu và phản ứng nhiều như dư thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Lo vỡ quỹ bảo hiểm là nỗi lo có thật. Nhưng để xử lý vấn đề này, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần phải tìm lời giải hợp lý hơn.
Thật ra, nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội đã được cảnh báo từ lâu bởi những bất cập trong việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là cung cách quản lý và điều hành quỹ. Tiếc rằng, thay vì đi tìm nguyên nhân nội tại, những người có trách nhiệm lại chỉ lo đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan. Trước nguy cơ mất cân đối một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, ngành Bảo hiểm vẫn viện dẫn nhưng con số với kiểu giải thích là: số người đóng BHXH ít, trong khi số người hưởng nhiều, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng, tăng thu hoặc giảm chi thì sẽ dẫn đến mất cân đối thu chi từ năm 2021, đến năm 2034 sẽ vỡ quỹ BHXH.
Chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho người dân (ảnh: Internet) |
Đây được xem là lý do chính để cơ quan soạn thảo Dự án Luật Bảo hiểm xã hội kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với lao động nữ và 62 đối với nam. Đồng thời, cách tính lương hưu cũng thay đổi. Thay vì tính bình quân 10 năm lương cuối cùng thì bây giờ lại là bình quân toàn bộ số năm đóng BHXH.
Mặc dù vẫn biết tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong 8 giải pháp được đưa ra, nhưng chưa thấy dự luật nào lại gặp sự phản ứng của đại biểu Quốc hội như vậy. Bởi họ cho rằng, chính sách này chưa thật sự hướng đến lợi ích của dân mà mới chỉ lo chuyện mất cân đối của quỹ hưu trí, trong khi nguyên nhân chủ quan sâu xa lại chưa được thẳng thắn nhìn nhận.
Một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội khẳng định, muốn không vỡ quỹ thì phải sửa từ gốc, chứ không đơn giản là đổi cách tính lương hưu và kéo dài tuổi nghỉ hưu. Lại càng không thể chỉ vì tuổi thọ của người Việt Nam mấy năm gần đây tăng lên. Cái gốc mà các đại biểu Quốc hội muốn nói tới ở đây là tình trạng nợ đọng BHXH ngày càng tăng, với 150.000 doanh nghiệp, tổng số tiền nợ hơn 12.000 tỉ đồng. Cũng đã có những doanh nghiệp bị đưa ra tòa, nhưng chưa thấy ông chủ nào phải vào tù vì hành vi chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Ngay cả những bản án có hiệu lực pháp luật cũng khó được thi hành.
Sự phản ứng của các đại biểu Quốc hội còn vì theo cách tính của nhiều chuyên gia kinh tế, số lãi của người lao động đóng BHXH sau 30 năm cao hơn cả tiền lương hưu. Do đó, nói vỡ quỹ là không có cơ sở. Mặt khác, việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt của người lao động sẽ làm mất cơ hội để đội ngũ lao động trẻ tuổi dồi dào sinh lực, trình độ, trí tuệ, nhiệt tình đóng góp cho đất nước. Nhất là khi nước ta đang bước vào thời kỳ “Dân số vàng”. Mà thời kỳ này sẽ kéo dài từ 30 đến 40 năm nữa.
Một xã hội hướng đến sự giàu có, dân chủ, công bằng và văn minh, tất nhiên phải đi kèm với những ưu việt về an sinh xã hội, trong đó, lương hưu phải ngày càng cải thiện. Đằng này, cách tính lương hưu như dự thảo lại đang làm ngược lại. Người lao động phải làm việc nhiều hơn, nhất là lao động nữ, trong khi lương hưu lại hưởng ít hơn./.