Nhà nước ta cũng không ngăn cấm cá nhân sử dụng internet nhằm tìm kiếm, trao đổi thông tin, |
Nhà nước ta cũng không ngăn cấm cá nhân sử dụng internet nhằm tìm kiếm, trao đổi thông tin, đáp ứng nhu cầu thỏa mãn thông tin chính đáng của mỗi người.
Đảng, Nhà nước, tổ chức mặt trận luôn hoan nghênh mọi cá nhân, tổ chức hiến kế giải bài toán quốc kế dân sinh những khi đất nước gặp khó khăn; khuyến khích mọi công dân có những ý kiến đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, kể cả những ý kiến phản biện, đa chiều…
Sự phát triển vô cùng nhanh chóng của hệ thống blog, trang web, báo điện tử ở nước ta trong những năm qua, đặc biệt là trong vòng một vài năm lại đây, cho thấy hiện tượng bùng nổ thông tin ở Việt Nam là chuyện có thật.
Tốc độ phát triển nhu cầu khai thác, sử dụng internet của người dân mỗi năm một tăng cao, càng khẳng định thực tế này. Tính dân chủ, cởi mở trong thông tin đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và hướng thiện.
Nhưng, cũng nên nghiêm túc và khách quan nhìn nhận, đã có nhiều trường hợp lợi dụng không khí đổi mới, cởi mở để thực hiện các hoạt động phi pháp, thiếu thiện chí, thậm chí chống đối, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại Đảng, Nhà nước.
Dư luận xã hội gần đây có nhắc đến một số blog chuyên bàn luận chuyện chính trị, lành ít, dữ nhiều, với những ngờ vực, băn khoăn.
Một là, những blog này không ghi địa chỉ, không có ban biên tập, không người chịu trách nhiệm. Người ta cũng không thể biết họ là một cá nhân hay một nhóm người; ở trong nước hay ở nước ngoài… Như thế là chủ nhân các blog này cố tình dấu mặt, che dấu tung tích, là không chính danh. Danh không chính thì làm sao ngôn thuận?
Hai là, những thông tin mà các blog này cung cấp đều không được kiểm chứng, không rõ nguồn. Nếu có trích dẫn nguồn thì cũng thêm bớt, cắt xén. Nguyên tắc đạo đức hàng đầu của người làm báo là phải thể hiện trách nhiệm với công chúng bằng việc cung cấp thông tin phải có nguồn, thông tin phải được kiểm chứng, không chấp nhận kiểu hoang truyền, loan truyền “thông tấn vỉa hè”, tin thì tin, không tin thì thôi, rất vô trách nhiệm.
Ba là, những thông tin từ các blog này đánh vào sự hiếu kỳ của người đọc, khai thác sâu quan hệ nội bộ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là lãnh đạo cao cấp, với những chi tiết, sự kiện không kiểm chứng, mang dụng ý xấu. Họ xoi mói, bới móc cả chuyện cá nhân, dựng chuyện với lời lẽ châm chọc, đụng chạm đến quyền tự do cá nhân của người khác.
Bốn là, cách cung cấp thông tin của những chủ nhân blog này là vô cùng ác ý. Nguồn thông tin không minh bạch, đã đành, họ còn kết nối nhiều sự kiện với nhau rồi quy kết, suy diễn, hướng người đọc hiểu theo cách hiểu của họ, thật giả không biết đâu mà lần. Cách thông tin này chẳng khác cầm bùn ném vào người khác, khiến những người vô can cũng dính bùn.
Nhưng ác hiểm hơn, các blog này với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, cố tạo ra bức tranh đời sống chính trị của đất nước giai đoạn hiện nay vô cùng tiêu cực. Họ cố tình làm cho người đọc có cảm tưởng nội bộ lãnh đạo cao cấp đang chia rẽ sâu sắc, làm cho người đọc hoài nghi, chán ghét, từ đó kích động từ bỏ thể chế… Bằng phương tiện công nghệ hiện đại của thời đại, lợi dụng tự do ngôn luận, những chủ nhân các blog này đang làm cái việc mà một thời chúng ta từng nghe, ấy là“chuyển lửa về quê nhà”, thúc đẩy cái gọi là "diễn biến hòa bình", kích động lật đổ chế độ.
Rõ ràng các blog này đã danh không chính, ngôn không thuận; nội dung các blog này hoàn toàn đi ngược với tôn chỉ, mục đích cao cả của truyền thông. Chủ nhân các blog này đã đi quá xa. Họ đã tự đánh rơi cái chiêu bài “yêu nước”, hiện nguyên hình là những kẻ thù địch với dân tộc Việt Nam./.