“Mười con bò đực giống thì tám con chia cho người nhà cán bộ xã - năm con trong số đó đã bị bán cho lò mổ để giết thịt.”- câu chuyện tưởng như đùa đó lại là chuyện có thật, lại xảy ra ngay tại Quảng Trị, một trong những địa phương nghèo nhất nước, cụ thể là tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Câu chuyện đáng xấu hổ này chỉ bị phát hiện khi những người dân thuộc các hộ chăn nuôi nghèo có ý kiến lên chính quyền. Đây không phải là một sự nhầm lẫn mà là sự tư lợi đáng trách của những người thực hiện công vụ “giúp dân thoát nghèo”.

bo_giong_1_wucy.jpg
Một trong số những con bò đực giống còn sót lại tại xax Triệu Độ. (Ảnh: Tuoitre)
Chuyện xảy ra từ cuối năm ngoái, khi 10 con bò đực giống được tỉnh Quảng Trị cấp cho các hộ chăn nuôi nghèo trong xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, trị giá mỗi con 18 triệu đồng. Theo quy định, các hộ gia đình phải làm đơn xin nuôi bò, phải có tiền đối ứng 4 triệu đồng, nhà nước cho 14 triệu đồng, với cam kết phải chăm nuôi bò ít nhất là 4 năm.

Thế rồi chẳng hiểu sao, chỉ có 2 trong số 10 con bò giống đến đúng tay hộ chăn nuôi nghèo, 8 con còn lại được cho là đã “vào nhầm” nhà họ hàng cán bộ xã. Trong số những đối tượng “nhận nhầm” bò giống ấy có một cán bộ của UBND xã, 1 anh ruột Phó chủ tịch xã, 1 anh ruột Trưởng công an xã, 1 em họ bí thư xã và 1 em  cán bộ nông nghiệp xã…Đáng lưu ý là chỉ sau  hơn 2 tháng “phù phép”, 8 con bò giống “vào nhầm” nhà họ hàng cán bộ xã ấy đã bị đưa vào lò mổ giết thịt để chủ của nó ngang nhiên hưởng lợi cả chục triệu đồng. Thật tệ hại hết mức! 

Ai phải chịu trách nhiệm cho sự “nhầm lẫn” có chủ đích đó? Chủ tịch UBND xã Triệu Độ khi được hỏi đã chống chế: do bò được cấp phát vào thời điểm quá cận tết dương lịch nên Phó chủ tịch xã phải nhận về rồi chia cho dân, cũng đều là các hộ chăn nuôi (!) Thế nhưng, chính một số vị trưởng thôn trong xã đã phủ nhận: ở thời điểm đó đã không hề nhận được thông báo đăng ký nhận bò.Trong khi đó, một số hộ chăn nuôi nghèo thực sự đã làm đơn xin nuôi bò giống từ lâu nhưng trong đợt cấp phép đó lại không hề được phê duyệt. Không nói cũng biết, lời giải thích của vị chủ tịch xã là một kiểu “nói lấy được”, một kiểu cố ý làm trái của người thực hành công vụ.

Trong câu chuyện đáng chê trách này, nếu như quy trình bầu chọn hộ gia đình đủ tiêu chuẩn nhận bò giống ở địa phương, quy trình giao nhận, hướng dẫn chăm sóc bò được giám sát gắt gao, không có sự “nhắm mắt làm ngơ” để cán bộ xã đưa người nhà vào diện đối tượng được nhận bò giống thì đã không có chuyện một chủ trương đúng bị chà đạp: cấp bò giống sai đối tượng hộ nghèo, ngang nhiên xẻ thịt bò đực giống để hưởng tiền chênh lệch. Không thể khác, đó là sự buông lỏng quản lý, tư lợi và vô cảm trước sự khốn khó của đồng loại!

Nhân gian xưa có câu “Đổ thóc giống ra mà ăn” để chỉ những người làm việc dại dột, có thể gây hậu quả nghiêm trọng do nghe theo những lời chỉ bảo sai trái. Vậy mà tới thế kỷ 21, sự “dại dột” ấy vẫn diễn ra nhưng là sự dại dột được tính toán hết sức vô cảm!

Chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp của những cán bộ, chiến sỹ, những vị trưởng thôn giúp dân trong những cơn bão dữ năm 2017 vừa qua, hẳn những cán bộ ở Triệu Độ phải cảm thấy xấu hổ. Nhiều tuần sau bão Damrey đổ bộ vào Khánh Hoà, Phú Yên năm ngoái, hàng trăm chiến sĩ hải quân luôn ở bên các gia đình gặp nạn, giúp họ lợp lại mái nhà sau khi bão tan. Có những bác trưởng thôn đưa bằng  hết người dân tới nơi an toàn mới dời vị trí. Những câu chuyện ấy là tình người, là lòng trắc ẩn lan toả trong khó khăn hoạn nạn. Cái họ nhận được là sự tôn trọng không dễ gì có được!

Trở lại với câu chuyện ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, với quyết định “chia nhầm” bò giống cho người thân, những cán bộ mang danh thi hành công vụ “giúp dân thoát nghèo” đó có thể mang lại lợi lộc cả chục triệu đồng cho người thân nhưng mất mát từ hành động sai trái đó thì lớn hơn rất nhiều. Đó là mất tình nghĩa xóm giềng, mất uy tín của người thi hành công vụ trước dân, mất niềm tin của các tổ chức từ thiện và của người dân. Sự mất mát đó chắc chắn khó lòng mua lại được!