Thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều chuyện “lùm xùm” liên quan đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI), trong đó nghiêm trọng  nhất là hành vi chuyển giá, giấu lợi nhuận, trốn thuế. Vấn đề đặt ra là tại sao tình trạng này có thể diễn ra trong thời gian dài? Cần làm gì để khắc phục và tiến tới ngăn chặn những hiện tượng làm ăn bất minh của doanh nghiệp FDI?

Điều trước hết cần khẳng định là không phải doanh nghiệp FDI nào cũng làm ăn gian dối. Lực lượng doanh nghiệp FDI đã có đóng góp lớn vào tổng thu nhập quốc dân (GDP) của nước ta, chiếm tới 20% GDP.

Lượng vốn FDI trong giai đoạn 2006 – 2011 chiếm 24,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp tạo công ăn việc làm, tăng xuất khẩu, đưa công nghệ kỹ thuật và cả công nghệ quản lý mới vào nước ta. Từ năm 2006 – 2010, các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách được hơn 10 tỷ USD. Riêng năm 2011 đã  nộp tới 3,5 tỷ USD.

xuatkhau20_9_1316772648.jpg

Nhiều địa phương thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá (Ảnh có tính chất minh họa)

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng những kẽ hở của luật pháp Việt Nam để đưa công nghệ cũ, lạc hậu gây ảnh hưởng về môi trường; một số doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, giấu lợi nhuận bằng cách đưa giá nhập nguyên liệu lên cao, giá bán thấp; chuyển chi phí từ công ty mẹ về công ty con, để mẹ ở nước ngoài thì lãi, con ở trong nước thì lỗ để không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với cách làm này, nhiều doanh nghiệp FDI đã tránh không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tới 5 năm liền; trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam phải nộp tới 25% thu nhập doanh nghiệp. Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn tạo sự bất công và làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; khiến cho thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp Việt Nam thường thấp hơn trong doanh nghiệp FDI, tạo ra một dòng chảy nhân lực chất lượng cao về các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam càng cạnh tranh càng khó khăn.

Thủ đoạn này còn giúp một số đối tác nước ngoài trong liên doanh loại bỏ dần đối tác trong nước, thôn tính doanh nghiệp, chiếm đoạt thị phần của doanh nghiệp liên doanh. Việc  này đã xảy ra với những doanh nghiệp liên doanh thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, thuỷ sản, nông sản…

Vì sao những doanh nghiệp FDI này lại có thể tự tung tự tác trên đất Việt Nam như vậy? Tại sao trái với những tuyên bố hùng hồn khi khởi công xây dựng doanh nghiệp FDI, rằng sẽ đem công nghệ mới, kỹ thuật mới và tạo nhiều công ăn việc làm cho người Việt, các doanh nghiệp FDI này liên tục vi phạm luật pháp Việt Nam (như thải trộm chất thải không qua xử lý ra môi trường; ngược đãi nhân công, chây ỳ không nộp bảo hiểm xã hội cho công nhân, đưa lao động thủ công nước ngoài vào làm việc trái phép trong doanh nghiệp…) mà vẫn ngang nhiên tồn tại?

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng này. Nhưng căn nguyên sâu xa nhất vẫn là do căn bệnh hình thức, ưa thành tích, chạy theo phong trào của chính quyền các địa phương khi mời gọi đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi quyền phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài được phân cấp mạnh về cho các địa phương, nhiều địa phương đã chạy theo phong trào, kêu gọi FDI bằng mọi giá; thậm chí không có thông tin về doanh nghiệp nước ngoài nhưng vẫn cấp phép; không nắm vững xu thế dịch chuyển đầu tư từ các nước tiên tiến, đến các nước kém phát triển, là để tránh các quy định của pháp luật về môi trường, nên dễ dãi chấp nhận các dự án đầu tư, kể cả khi dự án đó không hề có báo cáo đánh giá tác động về môi trường.

Không ít dự án, ngay cả khi đã được các nhà khoa học khuyến cáo về những nguy cơ môi trường tiềm ẩn, nhưng vẫn được phê duyệt vì nhiều lý do tế nhị. Chính những lý do này đã khiến chính quyền nhiều địa phương đành “nhắm mắt làm ngơ” trước những hành vi ngang ngược, phạm luật của doanh nghiệp FDI.

Dư luận có lý khi đặt câu hỏi rằng, bên cạnh những doanh nghiệp FDI làm ăn chân chính, tại sao không xử lý mạnh những doanh nghiệp FDI làm ăn bất minh, vi phạm pháp luật Việt Nam để làm gương?

Phải chăng trong tình huống này, sự khao khát phải có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên đất của địa phương mình để cho “bằng người” đã lấn át cả lòng tự trọng quốc gia, hay là còn vì nguyên nhân nào khác?

Và đến bao giờ, những người có trọng trách quyết định phê duyệt các dự án FDI mới thực sự phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình vì lợi ích chung của người dân và của cả đất nước?./.