Sau clip “tố” Hoa hậu Kỳ Duyên phì phèo thuốc lá và cô chính thức lên tiếng xin lỗi thì lại xuất hiện hình ảnh cô say xỉn trong quán bar. Một số ý kiến đã lên tiếng bênh vực Hoa hậu Kỳ Duyên, rằng cô còn trẻ và lại trải qua nhiều cú sốc nên phải tìm đến rượu và thuốc lá... Nhưng, đâu phải rượu và thuốc lá là phương cách vượt qua khủng hoảng, chưa nói đến chuyện luật pháp cấm và không cổ xúy cho việc tiêu thụ rượu, thuốc lá. Chưa kể, là Hoa hậu, cô còn phải là người có xu hướng sống lành mạnh, định hướng cho giới trẻ.
Vì đâu Hoa hậu Kỳ Duyên lại liên tục dính vào những lùm xùm không đáng có này? “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” bởi hàng loạt scandal mà cô ấy phải “gánh chịu” thời gian qua do chính cô là tác giả.
Hình ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên say xỉn trong quán rượu |
Hơn ai hết, đã là Hoa hậu, Nguyễn Cao Kỳ Duyên phải hiểu cô có những đặc quyền, đặc lợi mà hàng triệu cô gái khác phải mơ ước. Bù lại, cô phải từ bỏ những sở thích, thói quen và có trách nhiệm với những lời nói, việc làm của mình để nâng cao giá trị hình ảnh cá nhân.
Khi là Hoa hậu, cô được giao trọng trách là “đại diện cho hình ảnh và sắc đẹp của phụ nữ Việt Nam”. Thế nhưng, với những gì cô gây ra thời gian qua, nhiều phụ nữ phản ứng rằng, hình ảnh của cô Hoa hậu này không thể đại diện cho họ được. Bởi ở họ không có những tính xấu như cô Hoa hậu này: đến trễ giờ họp báo một sự kiện quan trọng, hớ hênh nơi công cộng, say xỉn, hút thuốc lá… Đa phần phụ nữ Việt Nam không như cô, họ không hút thuốc lá, không uống rượu… để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Nếu cô là đại diện cho hình ảnh của phụ nữ Việt Nam mà lại có lối sống và cách hành xử như vậy thì thật oan uổng cho quá nhiều chị em.
Vẫn biết, hoa hậu là người của công chúng, ngoài phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam thì phải hội nhập. Hoa hậu cũng vẫn phải có cuộc sống riêng tư. Nhưng đã là người của công chúng, Hoa hậu sống trong sự “tôn thờ”, hình tượng của biết bao nhiêu người thì phải biết giữ hình ảnh, phải hành xử, cư xử đúng chuẩn mực, có văn hóa nơi công cộng, là tấm gương để người khác soi vào.
Khi cô chấp nhận cúi xuống để Ban tổ chức đội lên đầu chiếc vương miện cao quý kia có nghĩa cô đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Từ giây phút đó, cô không thể "vin lý do" là cô con gái bé bỏng, nhõng nhẽo của một bà mẹ nhất mực cưng chiều nữa mà “nhất cử, nhất động” của cô đều có người để ý, soi xét, đánh giá.
Khi đội lên đầu chiếc vương miện, cô đã tròn 18 tuổi, đã đủ tuổi công dân để hiểu và chịu trách nhiệm về lời nói, việc làm của mình. Giờ đây, khi cô gặp bao nhiêu rắc rối, lùm xùm xung quanh lối sống, cách ứng xử, giao tiếp, công việc… thì không thể đổ tại tuổi trẻ, tuổi non nớt nữa. Tất nhiên tuổi trẻ không thể tránh khỏi những lỗi lầm, sai sót, nhưng những gì cô gây ra thời gian qua toàn những thứ “đỏng đảnh” theo kiểu “con nít” chứ không phải những thứ bất khả kháng với những người thực sự nghiêm túc trong công việc, lối sống.
Bất kỳ bà mẹ Việt Nam nào cũng dạy cho con gái mình chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh” và những phẩm chất đáng quý khác nữa được chắt lọc từ bên ngoài. Nhưng dù có hội nhập, hiện đại đến đâu thì những quan niệm về cái đẹp truyền thống của người Việt Nam vẫn luôn được tôn vinh. Là hoa hậu, những giá trị ấy còn phải được đề cao hơn một bậc thì mới xứng đáng “đại diện cho phụ nữ Việt Nam”./.