Tại một phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 76 của Quốc hội khóa 13 "Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị làm rõ việc bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018-2020 và tỷ lệ hộ nghèo phát sinh chiếm 28% tổng số hộ vừa thoát nghèo. Đó cũng là điều rất băn khoăn của dư luận.

binh_luan_1_risu.jpg
Cần làm cho người dân thấy được rằng: được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước là để vươn lên thoát nghèo chứ không phải là để được hưởng trợ cấp thường xuyên. Ảnh: KT
Theo đó thì sau nhiều năm kiên trì thực hiện xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều … với nhiều chương trình, dự án từ trung ương đến địa phương, với đủ các bộ ngành, đoàn thể tham gia, chúng ta có 8/64 huyện trong diện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại có thêm 29 huyện xếp vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh hơn 1/4 số hộ thoát nghèo, nhiều huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, một số nơi trên 60% ; khoảng cách giàu - nghèo chẳng những không giảm mà còn tiếp tục bị kéo giãn. 

Lời giải trình của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung chẳng những không  thuyết phục  Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà còn hé lộ một thực tế đáng ngại. Đó là vẫn còn tình trạng trục lợi chính sách giảm nghèo ở một bộ phận cán bộ, chính quyền địa phương. Hay nói khác hơn là nhiều nơi, người ta không muốn thoát nghèo. Cá biệt, “có Chủ tịch xã còn gửi cho con mình làm con nuôi người khác để được hưởng chính sách hỗ trợ người nghèo”! 

Rõ ràng, bên cạnh những thành tựu đạt được, đã phát sinh một số tiêu cực cần phải khắc phục, để các chính sách hỗ trợ người nghèo không bị lợi dụng, biến tướng, cũng như trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đó là một bộ phận người dân trong diện nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: làm nhà ở, cấp lương thực, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ tiền điện... Họ không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Thực trạng đáng lo ngại này đang xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Đó là lý do vì sao, càng xóa nghèo, danh sách huyện nghèo, xã nghèo lại dài thêm, tỉ lệ hộ nghèo năm sau càng cao hơn năm trước.

Đã từng có nhiều khuyến nghị phải thay đổi tư duy làm chính sách giảm nghèo. Đó là bỏ dần việc cho không, tiến dần tới cho vay có ưu đãi; Cần những bộ tiêu chí rõ ràng để bình xét và áp dụng chính sách hỗ trợ cho người nghèo chính xác, thiết thực, không dàn đều, tránh tình trạng một số cán bộ địa phương trục lợi, vun vén cho người thân, gia đình mình như đã từng xảy ra lâu nay. Cần làm cho người dân thấy được rằng: được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước là để vươn lên thoát nghèo chứ không phải là để được hưởng trợ cấp thường xuyên. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tăng gia sản xuất, tăng cường học hỏi, vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu. 

Bản chất của các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo là rất nhân văn, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Thế nhưng, người xưa thường nói: “giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo”. Trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương là phải biết khuyến khích tinh thần tự lực, khát vọng đổi thay số phận của người nghèo, để những đồng vốn do Nhà nước hỗ trợ, những công trình dự án mà Nhà nước đầu tư thực sự trở thành bệ đỡ, thành nguồn lực hữu ích giúp người nghèo vượt qua khó khăn, tự đứng lên trên đôi chân của mình, tạo dựng cuộc sống ấm no cho gia đình. Có như thế, chúng ta mới có thể hoàn thành mục tiêu xóa nghèo bền vững mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra./.

gi