Theo báo cáo của Bộ Công an, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.

Trong những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc, phẫn nộ trước thông tin ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) đã dâm ô hàng chục nam sinh. Bức xúc, phẫn nộ vì trong một môi trường mô phạm lại xảy ra chuyện tày trời đến như vậy.

dam_o_xorw.jpg
Cơ quan công an Phú Thọ vừa khởi tố, bắt tạm giam với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Trước kia, dư luận cũng đã từng phẫn nộ vì vụ bảo vệ ở trường Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai xâm hại nhiều học sinh Tiểu học trong trường. Nhưng lần này, thật khó có thể ngờ được chính một thầy giáo lại là Hiệu trưởng nhà trường, người từng rao giảng cho 400 học sinh phải tuyên chiến với nạn xâm hại trẻ em lại làm trò đồi bại.

“Yêu râu xanh” bảo vệ ở trường Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn cũng như ông Hiệu trưởng Đinh Bằng My đã và sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhưng đây chỉ là phần kết của câu chuyện đau lòng là nạn xâm hại trẻ em. Còn nỗi đau cả về thể chất và tinh thần của các em và người thân sẽ còn đeo đẳng trong thời gian dài về sau.

Vì thế, để phòng tránh những câu chuyện đau lòng này có thể lại tiếp tục xảy ra, hơn ai hết, chính gia đình các em phải là người trang bị cho con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết tối thiểu để phòng tránh bị xâm hại.

Vì sao những chuyện đau lòng Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn và trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn phải rất lâu sau khi sự việc xảy ra mới bị phát giác? Một phần vì các em e ngại không dám nói với người lớn hoặc người thân, một phần cũng do các em chưa hiểu biết đầy đủ về việc mình bị xâm hại, coi đó là chuyện bình thường, chưa đáng bị lên án.

Nhưng hơn cả, cũng không thể không nói đến trách nhiệm của những người lớn, của cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn khá lơ là trong việc nâng cao ý thức cảnh giác cho con, trong khi mỗi bước con trẻ ra khỏi nhà là có rất nhiều nguy hiểm rình rập, trong đó có cả những kẻ biến thái đội lốt là những người đạo đức, tử tế.

Nhớ lại câu chuyện cách đây mấy tháng, khi chị Nguyễn Thị L. (quận Tây Hồ, Hà Nội) đặt xe Grab để đưa con gái 9 tuổi của mình đi học. Sau khi cháu bé về nhà đã kể lại sự việc với gia đình trên đường đi, lái xe liên tục hỏi “con thích màu gì, hỏi mẹ thích màu gì, chú ý hỏi con mặc quần ở trong màu gì, có bao giờ con nhìn thấy ngực mẹ chưa? Có biết mẹ mặc quần ở trong màu gì không, rồi chú ấy hỏi con là cho chú chạm vào quần lót của con được không?".

Đây là một trong rất nhiều tình huống cụ thể mà trẻ bị xâm hại. Nhưng trong trường hợp này, nếu cháu bé không về chia sẻ với mẹ thì hậu quả sẽ nguy hiểm đến mức nào. Nếu một đứa trẻ chưa bao giờ được dạy hoặc chưa bao giờ được nghe nói về kỹ năng phòng tránh xâm hại thì rất có thể những câu hỏi của gã tài xế bệnh hoạn kia cũng sẽ nhanh chóng bị bỏ qua, hoặc trẻ sẽ coi là không có gì nghiêm trọng để chia sẻ với người lớn.

Cách đây không lâu, con gái của tôi học lớp 6 cứ nằng nặc đòi nghỉ học đàn ở một Trung tâm, lý do là “con không thích kiểu dạy học của thầy giáo”. Khi tôi gặng hỏi, cháu đã kể hôm đó trong phòng chỉ có 2 thầy trò, thầy cứ đứng sát người cháu và cầm tay cháu dạy đánh đàn.

Tôi vặn lại: “Đi học, nhất là học đàn thì chuyện thầy cầm tay dạy đàn là chuyện bình thường chứ con?”.

Khi nghe tôi nói vậy, cháu rất bức xúc: “Con hiểu chuyện mẹ nói chứ. Nhưng cái cách thầy đứng sát vào, cầm nắm tay con làm con rất sợ. Mà khi trong phòng chỉ có hai người khác giới, thầy không nên dạy cách đấy”.

Trước lý lẽ của con, tôi đành cho con nghỉ học đàn.

Có lẽ con tôi đã quá cảnh giác, nhưng thực sự trong môi trường xã hội hiện nay, cảnh giác với nạn xâm hại là không thừa. Gần như ngày nào cũng xảy ra vụ án về xâm hại trẻ em, trong đó có nhiều trường hợp “yêu râu xanh” lại chính là những người thân của các em. Con số thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nói lên điều đó: trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.

Thật đáng lo ngại, khi mà vẫn còn nhiều phụ huynh vẫn còn thờ ơ với sự an nguy của con mình trong một môi trường đầy rẫy những cạm bẫy, nhiều vụ việc đau lòng đang hiển hiện hàng ngày, hàng giờ như vậy.

Vì thế, để phòng tránh cho con những nguy hiểm đang rình rập, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến việc giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ nhỏ, dạy con biết cách ứng biến và thoát hiểm trong các tình huống nguy hiểm. Khi các em nhận thức được đầy đủ về nạn xâm hại tình dục, các em sẽ quan tâm hơn đến việc tự bảo vệ mình cũng như tố cáo, lên án hành vi đồi bại với cha mẹ và người lớn.

Khi người lớn và các bậc cha mẹ trao cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ mình, chính là đang trao yêu thương để các em có một tuổi thơ trọn vẹn./.