Đúng vào những ngày nắng nóng đầu mùa ở nhiều khu dân cư giữa thủ đô Hà Nội lại mất nước kéo dài. Có ở trong hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu vì sao người dân không muốn nghe lời giải thích nào từ phía công ty kinh doanh nước sạch. Còn về phía các nhà quản lý cần thấy đây là dịp để xem lại hàng loạt quyết định có liên quan, với tinh thần trách nhiệm cao nhất là phục vụ người dân một đô thị lớn đang trên đường hướng tới hiện đại, văn minh.
Tất cả lý do dẫn đến mất nước kéo dài ở nhiều khu dân cư của Hà Nội mà Công ty cổ phần Viwaco bán lẻ nước sạch từ nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) đưa ra đều cho thấy đó là những nguyên nhân rất khách quan. Nào là mất điện ở nhà máy nước, nhu cầu sử dụng nước sạch mùa hè tăng cao, áp lực trong nhiều tuyến ống nước bị giảm...
Người dân khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội phải dùng nước giếng khoan và dùng nhiều xô chậu để tích nước trong thời gian mất nước sạch kéo dài (Ảnh: Thy Hạt) |
Đúng là công ty cổ phần nên ngoài lợi nhuận khó mà thấy rõ trách nhiệm phục vụ cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, được biết ngay từ đầu năm nay, Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội (doanh nghiệp công ích) đã phối hợp với Viwaco kiểm tra nguồn nước mặt sông Đà và hệ thống cấp nước của Viwaco đang quản lý, xây dựng phương án vận hành mạng lưới và nhà máy để đảm bảo cấp nước khi nguồn sông Đà bị sự cố. Vì vậy, để xảy ra tình trạng mất nước kéo dài tới gần nửa tháng ở nhiều khu dân cư thì phải thấy rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Nếu Viwaco đổ lỗi cho khách quan thì trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp công ích của thành phố, và ngược lại.
Nói rõ ra như thế để thấy tại sao từ lâu rồi người dân không còn muốn nghe lời giải thích từ phía các công ty kinh doanh nước sạch nữa. Bởi vì giải thích thế nào cũng là đổ lỗi lòng vòng mà thôi!
Song, nói là không muốn kêu ca, không muốn nghe giải thích thế thôi, chứ trong lòng người dân chất chứa nhiều bức xúc lắm! Đường ống dẫn nước từ sông Đà về tại sao cứ thỉnh thoảng lại vỡ? Lương của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích, trong đó có công ty cấp nước đều ở mức cao, nhưng có đi cùng trách nhiệm cao hay không?
Trong lĩnh vực phục vụ công ích có nhất thiết phải cổ phần hóa doanh nghiệp hay không, nếu cổ phần thì nên cổ phần ở khâu nào, giữ khâu nào? Rồi ở tầm vĩ mô hơn là hàng loạt khu dân cư mọc lên cả theo qui hoạch và tự phát có phá vỡ qui hoạch cấp nước hay không? Còn nhiều câu hỏi nữa khó mà nói hết, nhưng những điều chất chứa ấy vẫn chưa cấp thiết với người dân bằng việc phân công hôm nay ai trực chờ xe-téc để xếp hàng và cả tranh giành nhau mua nước, ai tranh thủ đi sớm về muộn để vệ sinh cá nhân ở cơ quan, ai đón con nhỏ đưa về tắm giặt nhờ ở nhà người quen thân...
Trong cơn quẫn bách ấy không ai nói được là có bao nhiêu mối bất hòa nảy sinh giữa hàng xóm láng giềng, bao nhiêu gia đình lục đục, thậm chí tan vỡ. Và, cuộc sống nhờ vả tạm bợ bất ổn đó liệu duy trì được bao lâu nếu tình trạng mất nước tiếp tục kéo dài thêm và có thể còn lan rộng ra nhiều nơi khác? Chưa thể trả lời chính xác được, nhưng đã có hộ dân ở giữa thủ đô đang tính đến chuyện khoan đào giếng hoặc xây bể chờ trời mưa!?
Về phía các nhà quản lý, hơn lúc nào hết cần thấy đây là dịp để xem lại hàng loạt quyết định có liên quan, từ qui hoạch các khu dân cư cho đến việc giám sát chất lượng công trình xây dựng; từ việc tái cơ cấu các doanh nghiệp cho đến việc tạo thêm nguồn nước dự phòng, phương án bơm bù áp khi nhu cầu tăng cao; từ chế độ lương cán bộ lãnh đạo và công nhân viên cho đến việc xác định giá bán nước sạch sinh hoạt, tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm...
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phối hợp với nhau làm tốt chức trách được giao với tinh thần cao nhất là phục vụ người dân một đô thị lớn, một thủ đô đang trên đường hướng tới hiện đại, văn minh./.