Trong các chương trình gần đây chúng tôi cũng đã đề cập tình trạng ế thừa quả vải ở các vùng trồng vải truyền thống như Hải Dương, Bắc Giang khiến người nông dân chẳng buồn thu hoạch quả, sau cả một năm trời chăm sóc vì giá bán quá bèo bọt. Câu chuyện cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long cũng cùng chung số phận, khi các doanh nghiệp thủy sản từ chối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Cùng với quả vải, cá tra, lúa gạo, nhiều loại nông sản, thực phẩm khác của nông dân cũng bị các doanh nghiệp trong nước từ chối thu mua. Trong khi đó, các tư thương nước ngoài lại lùng sục vào tận ngõ ngách để thu mua sản phẩm của người nông dân. Điều này khiến chúng ta không khỏi đặt câu hỏi: Hệ thống thu mua, phân phối thị trường của Việt Nam đang có vấn đề ?
Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam lại không thể làm được như các tư thương, đại lý nước bạn? Vô lý là ở chỗ: nông sản, thực phẩm của nhà nông không phải không có nơi tiêu thụ mà vấn đề là tổ chức hệ thống thu mua, phân phối lưu thông thị trường chưa được xâu chuỗi phù hợp. Hiện nay, người nông dân thường phải bán sản phẩm mình làm ra với giá rất rẻ mạt, qua rất nhiều tầng nấc trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Qua mỗi tầng nấc như thế, giá sản phẩm bị đội lên, chất lượng cũng vì thế giảm sút, và đương nhiên cả người sản xuất và tiêu dùng đều ở thế bất lợi. Những chi phí không đáng có và bị “hút” vào khâu trung chuyển nhiều đang khiến sản phẩm của nhà nông thiếu sức cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng trên thị trường. Giá bán tại ruộng, vườn thường rất thấp song khi đến tay người tiêu dùng lại bị đội lên gấp nhiều lần, mà phần lợi nhuận ấy lại rơi vào túi các tấng nấc trung gian, chứ không phải người trực tiếp sản xuất.
Quay trở lại với việc thu mua nông sản của các tư thương, hay đại lý nước ngoài. Chưa bàn tới những bất lợi do việc thu mua này đem lại, song có thể thấy ngay lợi ích mang lại cho người sản xuất khi họ bán được sản phẩm với giá cao hơn, và thay vì phải mang đi bán, đã có người tới tận vườn tìm mua. Vậy tại sao các doanh nghiệp và tư thương Việt Nam lại bỏ ngỏ thị trường này? Suy cho cùng từ trước đến nay các doanh nghiệp trong nước mới chỉ làm ăn theo kiểu “ lướt sóng” để kiếm lời chứ không quan tâm tới kế hoạch làm ăn căn cơ lâu dài.
Mới đây, theo quy định mới của Chính phủ, sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo sẽ không được phép tham gia vào sân chơi này khi không có đủ điều kiện, mà chủ yếu là do thiếu kho tàng, sân bãi để chứa hàng. Hóa ra trước nay các doanh nghiệp trong nước chỉ quen với lối “ăn xổi”, kinh doanh kiểu “hớt ngọn”, có nghĩa chẳng cần đầu tư gì nhiều, cứ buôn “nước bọt” thu lãi!.
Từ thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo, nhìn rộng ra các doanh nghiệp thu mua nông sản khác cho thấy kiểu làm ăn thụ động, dẫn đến hàng loạt các xí nghiệp chế biến chết yểu, các công ty thu mua nông sản triền miên trong tình cảnh “chợ chiều”. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, mỗi doanh nghiệp gắn với nông dân đều xây dựng cho mình hệ thống thu mua và phân phối thị trường một cách khoa học để giảm bớt những phiền hà, khó khăn không đáng có cho nhà nông. Điều này không chỉ được thực hiện trong khâu tiêu thụ sản phẩm, mà cả khâu “đầu vào” cũng rất tiện lợi. Làm việc với nông dân không thể cứ theo kiểu ngồi chờ, hay đòi hỏi nhà nông phải chạy theo doanh nghiệp mà các đơn vị trong nước của ta lâu nay vẫn đang làm.
Rõ ràng không thể cấm người dân bán hàng cho các đại lý, tư thương nước ngoài, và đương nhiên cũng không thể bắt các doanh nghiệp trong nước mua sản phẩm của nhà nông bằng mệnh lệnh hành chính được. Mà quan trọng là làm sao có được những quy định, chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường nông sản và theo đó củng cố và hệ thống lại mạng lưới thu mua phân phối thị trường một cách hợp lý để cái lợi thuộc về người sản xuất và những nhà doanh nghiệp chân chính một cách hài hòa, bền vững./.