Hình ảnh một cụ ông ở Quảng Bình làm đám giỗ 64 liệt sĩ hy sinh ở bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa - tỉnh Khánh Hòa được báo chí đăng tải mấy ngày qua thực sự gây xúc động mạnh đối với mọi người.

Đó không còn là việc riêng của một gia đình, mà là lòng tri ân của người còn sống đối với những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp gìn giữ chủ quyền biển đảo. Đồng thời cũng là thông điệp rằng: dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ chùn bước, sẽ chiến đấu đến cùng, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng Tổ quốc. Đó còn là lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, cũng luôn phải cảnh giác với hiểm họa xâm lăng.

3 năm nay, cứ đến ngày 28 tháng Giêng Âm lịch, gia đình cụ Hoàng Dỏ ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình lại tổ chức một bữa giỗ cho 63 liệt sĩ hy sinh cùng với con trai mình là liệt sĩ Hoàng Văn Túy, trong trận hải chiến không cân sức với hải quân Trung Quốc để bảo vệ Gạc Ma tháng 3/1988.

gac_ma_kjff.jpg
Lực lượng Hải quân Việt Nam và đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: Lại Thìn)

Cũng như muôn triệu người làm cha, làm mẹ ở một đất nước mà độc lập tự do phải đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ người Việt Nam, người cha già xấp xỉ tuổi 90 này luôn xem các anh là con, là cháu của mình - những chàng trai đã biết sống chết cùng nhau, biết hòa chung dòng máu nóng của tuổi thanh xuân vào lòng biển mặn để nói với quân thù rằng: Việt Nam là đất nước có chủ quyền; Dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục, dù phải hy sinh thân mình cũng thề bảo vệ sự toàn vẹn non sông.

64 người con đất Việt phải nằm lại giữa lòng biển sâu, nỗi đau Gạc Ma gợi nhớ về những hùng binh Hoàng Sa mấy trăm năm trước, dẫu biết rằng “Hoàng Sa đi dễ khó về”, vẫn cứ vâng mệnh vua, tháng 3 dong thuyền ra biển, nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Để rồi, nhiều người trong số họ đã mãi mãi không về. Vì thế, Gạc Ma là nỗi đau của không chỉ những gia đình có chồng, có con hy sinh, mà đó còn là nỗi đau âm ỉ trong lòng dân tộc.

28 năm chưa phải là dài so với lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, nhưng cũng đủ để những đứa con của các chiến sĩ Gạc Ma trưởng thành, có đủ sự trầm tĩnh để nghĩ suy, để chiêm nghiệm về lẽ được - mất; về nỗi niềm riêng - chung, khi máu của cha anh mình phải nhuộm đỏ sóng nước Trường Sa.

28 năm nay, hình ảnh các chiến sĩ nắm tay nhau trước họng súng quân thù đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc. 90 triệu dân Việt Nam chưa bao giờ thôi khắc khoải nhớ về các anh, những người đã hòa máu xương mình vào biển cả để viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Nén tâm hương thắp lên trong ngày này là lòng tưởng nhớ, sự tri ân của cả dân tộc gửi đến các anh.   

Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa đã được xây dựng sẽ thay cho trùng trùng sóng trắng biển khơi khắc ghi tên tuổi, chiến công của những người con đất Việt anh dũng hi sinh thân mình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Câu chuyện Gạc Ma không bao giờ xưa cũ. Đó là lời khẳng định với các thế lực có ý đồ xâm lăng, rằng: người Việt Nam không bao giờ run sợ, người Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của mình.

Biển Đông đang dậy sóng sau hành động của Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo trái phép, rồi mới đây là đưa máy bay, tên lửa ra Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù phải lo toan phát triển, chúng ta vẫn không quên cảnh giác, phải chủ động ứng phó với những tình huống xấu nhất để bảo vệ nền độc lập tự do dân tộc.      

Người Việt Nam hôm nay và mai sau không bao giờ được phép quên rằng quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma và những Chữ Thập, Châu Viên... một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn còn bị chiếm đóng trái phép.

Nhớ về Gạc Ma, nhớ về Trường Sa là nhớ về những người lính đang ngày đêm can trường với sóng gió trùng khơi để giữ gìn vững chắc biển đảo của Tổ quốc là nhớ đến những đời dân trên các hòn đảo dọc dài biển Đông, những người đang làm nên những “cột mốc chủ quyền sống”, những “tượng đài sống” bằng chính cuộc đời mình!./.