Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, ngày 17/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thủ đô Brussels bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu.

Ngày 17/1, tại thủ đô Brussels, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy.

tong-bi-thu-va-chu-tich-thu.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hạ viện Bỉ Andre Flahaut, Chủ tịch Thượng viện Bỉ Sabine Baronne De Bethune

Tại các cuộc hội đàm, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu đều đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam, chính sách đổi mới của Việt Nam và những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, vừa duy trì được phát triển kinh tế, đồng thời giải quyết một số vấn đề xã hội lớn, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo; bày tỏ mong muốn củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa EU và Việt Nam.

Chiều tối 17/1, theo giờ địa phương (tức rạng sáng 18/1 theo giờ Hà Nội), lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Vương quốc Bỉ, theo lời mời của Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo đã được tổ chức trọng thể tại cung Egmont ở thủ đô Brussels.

Sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo. Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Thái tử Bỉ Philippe tại cung Hoàng cung.

Trong thời gian ở thăm Vương quốc Bỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Hạ viện Bỉ Andre Flahaut và bà Chủ tịch Thượng viện Bỉ Sabine Baronne De Bethune; thăm Tòa Thị chính Brussels.

Tại buổi hội đàm, hai Thủ tướng nhất trí cao về các phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường và củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.- Ảnh: Đỗ Hưng

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, ngày 16/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân đã sang thăm chính thức nước ta trong hai ngày (16 và 17/1). Lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra trọng thể chiều 16/1 tại Phủ Chủ tịch với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe sau khi được bầu làm Thủ tướng Nội các Nhật Bản vào cuối tháng 12/2012, cũng là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng của ông Shinzo Abe. Chuyến thăm diễn ra vào đúng thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và là sự kiện hết sức có ý nghĩa mở đầu cho Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.Chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định số 136/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Việc lấy ý kiến về các quy định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các Bộ, ngành, địa phương phải được thảo luận, lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

 

 

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Các ý kiến đóng góp vào Dự thảo phải được tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và là cơ sở để góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992…

Trong tuần cũng đã diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo của các ngành, địa phương, đoàn thể về đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992… Trong đó đáng chú ý có hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các đại biểu là đại diện người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài diễn ra ngày 17/1 tại Hà Nội. Các đại biểu đã góp nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; sự bảo hộ của Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Sáng 16/1, tại Trung tâm hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2012, quán triệt nhiệm vụ trọng tâm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2013. 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu dự hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn)

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần nghiêm túc khắc phục những hạn chế yếu kém, tồn tại liên quan đến một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất kinh doanh thua lỗ; tài chính thiếu lành mạnh; tiêu cực, tham nhũng; đầu tư kém hiệu quả, lãng phí; tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn chậm; cơ chế tài chính điều hành một số mặt hàng thiết yếu như than, điện, xăng dầu vẫn chưa rõ ràng và dứt khoát phải công khai minh bạch và phấn đấu điều hành giá theo xu hướng giảm…

Bước vào năm 2013, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra để tập trung thực hiện; rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhất là doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, tiền lương một cách chặt chẽ với tinh thần nỗ lực cao nhất để thực hiện, đồng thời rà soát lại kế hoạch đầu tư gắn với hiệu quả cụ thể, không đầu tư dàn trải và dứt khoát không đầu tư ra ngoài ngành…; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện quyết liệt sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu theo Đề án đã được phê duyệt.

Cuộc thi Vietnam Idol đã xác định được 2 thí sinh lọt vào chung kết là Hoàng Quyên và Ya Suy. Thí sinh bị loạt là Bảo Trâm, với số phiếu bình chọn thấp nhất. 

 

Các thí sinh Bảo Trâm, Ya Suy, Hoàng Quyên

 

Càng gần cuối chặng đường, Vietnam Idol càng trở nên kịch tính và gay cấn hơn bao giờ hết. Cả hội trường của đêm thi vào chung kết sôi động bởi tiếng hò reo của khán giả khi MC Huy Khánh công bố Hoàng Quyên là thí sinh đầu tiên lọt vào top 2. Không thể phủ nhận tài năng của cô gái xinh xắn này bởi Hoàng Quyên luôn biết phát huy những thế mạnh của mình trên sân khấu. Đây là một kết quả rất có “hậu” của cô sinh viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội.

Ya Suy - chàng trai sở hữu gương mặt dễ thương, ngây thơ và cũng rất hài hước. Mặc dù không thể sánh được với Bảo Trâm về giọng hát nhưng Ya Suy lại sở hữu cho mình lượng fan “khủng”. Đây cũng chính là điểm mạnh, là yếu tố cần thiết đã đưa Ya Suy vào tận vòng thi này.

Ông Hoàng Văn Phúc được chọn làm HLV tạm quyền của đội tuyển Việt Nam

Cuối cùng, sau một thời gian chật vật tìm kiếm, chiếc ghế HLV tạm quyền của ĐTVN đã thuộc về HLV Hoàng Văn Phúc - người đang dẫn dắt đội trẻ Hà Nội. Ban đầu ông Hoàng Văn Phúc đã từ chối ghế HLV trưởng với lí do công việc và một số vướng mắc cá nhân. Nhưng khi được VFF đặt vấn đề lại, ông Phúc và CLB trẻ Hà Nội đã đồng ý.

HLV Hoàng Văn Phúc đã có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt các cầu thủ trẻ với bề dày thành tích tương đối tốt. Dẫn dắt các lứa cầu thủ trẻ đầu tiên từ năm 2008, ông Phúc đã có được thành công với U16 Việt Nam. Năm 2010, U16 Việt Nam xuất sắc vượt qua Trung Quốc để dành ngôi vô địch Đông Nam Á mở rộng.   

 

  

Trong cuộc họp báo công bố HLV vào chiều 14/1, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung cũng đã xác nhận “trẻ hóa” là hướng phát triển của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới: “Quan điểm của VFF là không lẫn lộn giữa ĐTQG và U23. Hai trận sắp tới ở Vòng loại Asian Cup là sân chơi của ĐTQG và chúng ta sẽ triệu tập những cầu thủ tốt nhất để tham gia đội tuyển. Trong đó, có nhiều gương mặt U23, vừa để trẻ hóa, vừa để chuẩn bị cho SEA Games.”

HLV Hoàng Văn Phúc sẽ “tạm quyền” trong một số trận giao hữu và hai trận Vòng loại Asian Cup. Nhưng ông Nguyễn Lân Trung khẳng định, nếu ông Phúc dẫn dắt tốt sẽ cân nhắc để trao vị trí HLV chính thức cho ông. Khi đó, ông Phúc buộc phải rời đội trẻ Hà Nội để dành toàn thời gian cho đội tuyển./.