Một thông tin được nhiều người quan tâm trong tuần qua là cảnh người dân huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vừa nhận tiền đền bù của dự án thủy điện đã bị chủ nợ bao vây giật tiền trừ nợ. Có nợ dĩ nhiên phải trả. Điều đáng nói là số tiền bị giật nợ lại quá lớn so với giá trị thật của những món hàng mà những chủ nợ đã cho bà con mua chịu trước đó. Câu chuyện “lúa bán non, con gả sớm” xem ra vẫn là nỗi day dứt của nhiều làng quê, một khi đói nghèo, đặc biệt là cái nghèo về dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cải thiện.

Hơn 20 mươi năm trước, làn gió đổi mới cơ chế quản lý từ kế hoạch tập trung sang hạch toán kinh doanh đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tem phiếu thông qua các cửa hàng thương mại cấp 3, Hợp tác xã mua bán ở nông thôn. Cũng từ đây, một hệ thống phân phối mới do tư nhân hình thành tự phát và len lỏi khắp thôn cùng xóm vắng, người ta gọi đùa đó là “Cửa hàng cấp 4”. Đơn giản thì chỉ cần một chiếc xe máy, một người buôn có thể mang lên miền núi tất cả mọi thứ từ mớ rau con cá đến mắm muối, đường sữa, vải vóc áo quần đến phân bón, thuốc trừ sâu… Bài bản hơn thì mua đất mở cửa hàng tận đầu làng.

xiet-no.jpg
Người dân xã Sơn Liên, huyện miền núi Sơn Tây bị xiết nợ ngay sau khi nhận tiền đền bù từ dự án thủy điện Đak Đrinh vào chiều 8/7 (Ảnh: VnExpress)

Có tiền thì mua, không có tiền cũng được mua và ghi nợ, cuối mùa trả cả gốc lẫn lãi, tất nhiên là lãi nặng. Một số người còn lợi dụng đồng bào thiểu số không biết chữ, đã ghi chép mập mờ để gian lận, bắt con nợ phải trả gấp nhiều lần số hàng hóa đã mua, khiến người nghèo bị trói buộc triền miên trong cảnh túng bấn nợ nần.   

Chuyện đồng bào Cadong ở huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi nhận tiền đền bù của công trình thủy điện vừa ra khỏi cổng ủy ban đã bị chủ nợ đón đường giật tiền trừ nợ là hậu quả của quan hệ mua bán bất bình đẳng tồn tại đã lâu. Đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, lại thiếu kiến thức nên khả năng tự vệ yếu ớt, dễ sa vào bẫy của gian thương. Chỉ mua 10kg mỡ heo, 1 con gà, 1 cái rựa thế mà một con nợ đã bị trấn lột 10 triệu đồng, có người còn bị chủ nợ giật mất hàng trăm triệu.

Nhiều gia đình, vì đau ốm bệnh tật, không biết ruộng đất của mình thuộc diện giải tỏa làm công trình thủy điện nên đã bị một số người đến dụ dỗ bán đất với giá rẻ mạt, thậm chí chỉ đổi bằng mấy bình gas và mấy can rượu, để rồi khi nhận được 1,2 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ thì đã bị số người kia lấy sạch...

Chuyện xảy ra ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi không phải là cá biệt. Đã từng có nhiều nông dân vì thiếu vốn mà phải mua nợ vật tư với giá cao, đến mùa trả bằng cà phê, hồ tiêu; vì nghèo đói mà phải mua nợ từ mớ rau con cá, chai rượu để rồi phải bán lúa non, keo non trả nợ. Thậm chí, có nơi vì túng thiếu mà một số gia đình chính sách đã cầm cả sổ trợ cấp để vay tiền... Ai cũng biết, trong những cuộc trao đổi này, phần thiệt luôn thuộc về người nghèo. Tình trạng này diễn ra đã lâu. Chính quyền biết, đoàn thể biết nhưng không ai có cách gì ngăn chặn.

Một khi chỗ ký tên của người nhận tiền còn thể hiện bằng dấu vân tay thì thật khó có thể nói được bao giờ miền núi tiến kịp miền xuôi. Thay vì can thiệp để giữ tiền cho đồng bào khỏi bị giật nợ, hãy chú tâm hướng dẫn cho họ sử dụng đồng tiền đền bù sao cho hiệu quả. Chính phủ đã đầu tư rất lớn cho các dự án giảm nghèo vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng cần tiếp tục có những giải pháp để nâng cao trình độ dân trí cho bà con. Trong báo cáo giảm nghèo ngoài việc thống kê số nhà tạm được xóa, nên có thêm phần đánh giá hiệu quả của việc tổ chức hướng dẫn sản xuất, giúp người nghèo cải thiện cuộc sống. Như vậy, mới có cơ sở để từng bước tiến tới mục tiêu xóa nghèo bền vững. Nếu không cái vòng luẩn quẩn đói nghèo và nợ nần trong một bộ phận người dân miền núi vẫn chưa thể có lời giải đáp một cách căn cơ. 

Đi buôn ắt phải có lãi. Tuy nhiên, lợi dụng sự thật thà, nhận thức hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số để trục lợi, thậm chí là trấn lột của họ thì đó là việc làm thiếu đạo lý. Người Việt Nam có truyền thống “Thấy người đói rét thì thương”. Đồng bào thiểu số vùng cao nhiều người bát cơm còn chưa đủ đầy, tấm áo vốn chưa được lành lặn. Kẻ có tiền sao nỡ làm cho bát cơm ấy vơi đi, giật cho tấm áo ấy rách thêm?./.