Cây xanh là phần không tách rời của không gian đô thị, đặc biệt với những thành phố đông dân như Hà Nội, TP HCM. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, làm dịu đỡ những không gian oi nồng từ những mảng bê tông đồ sộ, những khu nhà chen chúc, chật chội trong phố. Thế nhưng, từ hơn chục năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa đang khiến cho nhiều mảng xanh trong phố bị dỡ bỏ, nhường chỗ cho những dự án đường cao tốc hay tòa nhà cao tầng. Không gian sống cân bằng trong những đô thị vì thế cũng bị phá vỡ.

Khoảng những năm 1960, 1970, Hà Nội nổi tiếng là thành phố xanh yên bình ở Đông Nam châu Á. Từ đầu thế kỷ 20, các chuyên gia quy hoạch người Pháp đã tỏ rõ tầm nhìn xa rộng khi gắn không gian đô thị với kiến trúc xanh, từng con phố được gắn với một loại cây khác nhau. Nhờ thế mà đến giờ Hà Nội mới có được những dàn cây cổ thụ quý giá đến vậy. Gần trăm cây xà cừ cổ thụ trên đường Hoàng Diệu, đường Láng, dãy cây sao đen trên phố Lò Đúc, hay cả trăm gốc sấu già trên phố Phan Đình Phùng… Thế rồi, trải qua thời gian, cây xanh Hà Nội cứ thưa thớt dần. Những dãy cây mới trồng cũng không còn giữ được nét đặc trưng nữa… mà thiếu tính hệ thống và nghiên cứu kỹ càng. Không thể người trồng cứ trồng, người xây cứ xây, cứ chặt rồi lại trồng lại.

cay-xanh-1.jpg
Các nhân viên cây xanh đang thu dọn cành cây đốn hạ được (Ảnh: Lao động)

Những ngày tháng 5 này, nhiều người dân Hà Nội không khỏi “sốc” khi đi qua đường Láng, chỉ trong một vài ngày mà mấy chục cây xà cừ cổ thụ dễ tới gần trăm tuổi bị đốn hạ để nhường chỗ cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Trước đó, nhiều cây xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi cũng chịu chung số phận vì phải nhường diện tích cho một bến đỗ xe. Một sự đánh đổi không tương xứng nếu biết để “bức tử” cây cho những dự án đường xá, bến bãi thì chỉ mất vài giờ nhưng để trồng được một cây xanh cổ thụ phải mất hàng chục thậm chí hàng trăm năm! Rõ ràng, việc cưa cùng lúc cả chục cây lâu năm trong thành phố như vậy mà không tìm những giải pháp tối ưu hơn không thể coi là một cách ứng xử văn minh của một thành phố nghìn năm tuổi như Hà Nội.

Về nguyên tắc, những dự án phát triển đều phải có đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, việc hàng chục cây to bị đốn hạ một cách dễ dàng, nhanh chóng cho thấy một điều báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ được lập mang tính hình thức. Với một đô thị phát triển bền vững, lối hành xử đó thật khó chấp nhận.

Không riêng gì ở Hà Nội, ở nhiều thành phố khác, để thực hiện các dự án phát triển, có cả trăm lý do, dù là vô tình hay hữu ý để bức tử cây xanh. Vỉa hè lòng đường thi thoảng lại bị đào tung để lát hè, đi cáp… hết cáp viễn thông lại cáp điện lực. Mà gần như không năm nào không có dự án sửa chữa, đào vỉa hè hoặc lòng đường, vô hình chung trở thành mối đe dọa của “lá phổi xanh” trong thành phố.

Để hè phố đường phẳng phiu, nhiều rễ cây to đã bị chặt cụt, dọn chỗ cho những ống cống to đùng… rồi nhiều tháng sau khi hoàn trả mặt bằng, những cây lâu năm bị chặt rễ đó mới bị hạ. Không loại trừ khả năng những hộ dân bị cây lâu năm “án ngữ” trước nhà, nhân cơ hội đào đường để chặt rễ chính của cây. Mặt hè lát phẳng phiu không còn dấu vết nhưng một thời gian sau thì cây bị “gục”… Những hành động đó đều bị coi là “bức tử” cây xanh và sự cân bằng trong cấu trúc không gian đô thị.

Với nhiều người, việc chứng kiến một cây cổ thụ bị cưa đi giống như bị mất mát một điều gì đó bởi với họ một cây xanh có tuổi đời bằng một con người đã trở thành tài sản vô giá với các thành phố lớn và xứng đáng để các nhà quy hoạch phải tìm ra phương án bảo vệ nó. Không thể vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Nếu không thể tìm ra bài toán hài hòa giữa phát triển và môi trường thì phải bằng mọi cách bù lại khoảng xanh trong thành phố. Mỗi khu đô thị, mỗi tòa nhà, mỗi dự án đường sá mọc lên là phải có một diện tích tương xứng cây xanh được bù lại. Đó mới là cách phát triển vững bền./.