Trước những tranh cãi về việc ra đề thi Học sinh giỏi Quốc gia, Bộ GD-ĐT đã rà soát lại đề thi và quá trình chấm thi. Thanh tra Bộ GD-ĐT đã phát hiện sai phạm tại một số bài thi. Cụ thể, bài thi mã phách 04363402 của thí sinh tỉnh Thanh Hóa từ không có giải, sau khi phúc khảo được tăng điểm và đoạt Giải ba (từ 11,5 điểm tăng lên 12,5 điểm). Việc tăng điểm được lý giải do cộng nhầm điểm nhưng khi kiểm tra thì do giám khảo chấm phúc khảo cho thêm điểm thành phần vào bài thi bằng mực tím, trong đó riêng câu 6 tăng 0,5 điểm mà không rõ tăng thành phần nào.
Tương tự, bài thi có mã phách 04400325 của thí sinh tại Hà Nội (từ 9,25 điểm tăng lên 10,5 điểm) biên bản chấm phúc khảo ghi do cộng nhầm điểm thành phần trước đó; nhưng khi kiểm tra lại do giám khảo chấm phúc khảo cho thêm điểm bằng mực tím và cũng có câu 6 tăng 0,5 điểm nhưng không rõ cho điểm thành phần nào của câu.
Từ lâu, thi học sinh giỏi dù ở cấp nào cũng là niềm vinh dự cho cả thí sinh, gia đình và nhà trường. Và ai cũng tin tưởng sự nghiêm túc tuyệt đối của những kỳ thi học sinh giỏi. Bởi, những em được chọn đi thi là những tinh tú nhất của lớp, của trường, của huyện, của tỉnh về học lực khi đã phải vượt qua hàng trăm, thậm chí hàng triệu thí sinh khác trong các cấp thi.
(ảnh minh họa: internet) |
Cùng với đó, tỷ lệ “chọi” rất cao trong các kỳ thi để chọn ra số ít thí sinh được giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích… lại càng làm cho dư luận tin tưởng tuyệt đối vào tính nghiêm túc của những kỳ thi như thế này.
Với mỗi đứa trẻ, niềm tin vào thầy cô, nhà trường gần như tuyệt đối. Điều đó cũng là lẽ tự nhiên. Thầy cô như những tấm gương để chúng soi vào và làm theo. Và với các em và cả gia đình của các em, cũng không có môi trường nào lại có thể thanh sạch hơn môi trường mô phạm. Khi một đứa trẻ có niềm tin như vậy, chúng mới dồn hết tâm sức cho việc học tập và phát triển nhân cách. Và khi gia đình gửi gắm các em đến trường học cũng là gửi gắm tất cả tương lai, niềm tin của các em và gia đình.
Trong thời gian vừa qua, những lùm xùm trong ngành Giáo dục, đặc biệt là các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình… đã ít nhiều làm cho niềm tin của các em và cả gia đình các em, của xã hội bị hư hao. Nhưng mất mát lớn nhất là niềm tin của các em vào những người làm công tác “trồng người”, niềm tin vào một môi trường được coi là trong sạch, mẫu mực bị sụp đổ.
Sự đổ vỡ niềm tin thật sự kinh khủng khi mà một nơi mà các thế hệ học sinh gần như đặt niềm tin tuyệt đối, là động lực để các em cố gắng phấn đấu học tập và tu dưỡng đạo đức lại xảy ra những chuyện gian lận và dối trá.
Và nguy hại hơn, việc gian lận trong môi trường giáo dục đã làm các em không biết được đích đến của việc học tập, rèn luyện nhân cách khi người ta có thể “mua điểm”, “chạy điểm”, “nâng điểm”... Những người lớn gian lận đã chà đạp lên sự cố gắng, nỗ lực và cướp đi cơ hội của nhiều em có khả năng thực sự.
Sự việc nâng điểm trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lại một lần nữa làm niềm tin vốn đã ít nhiều hư hao trong các em, gia đình và xã hội càng thêm vỡ vụn. Khó ai có thể nghĩ rằng, một kỳ thi mà tính nghiêm túc gần như tuyệt đối, phải trải qua gần chục vòng loại từ cấp lớp, trường, quận, tỉnh của hàng chục triệu học sinh trong cả nước vẫn có thể xảy ra chuyện nâng điểm.
Và sau sự việc này, dư luận cũng không thể không hoài nghi về tính công minh của các kỳ thi học sinh giỏi trong thời gian vừa qua, khi mà căn bệnh vị thành tích, sẵn sàng dối trá đang ngày một nặng lên. Phải chăng chỉ khi dư luận nghi ngờ và lên tiếng, sự việc mới được xem xét, kiểm tra và phát hiện như kỳ thi học sinh giỏi vừa qua?
Và dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi về quy trình từ việc tổ chức thi đến việc chấm điểm trong kỳ thi hiện nay. Bởi thực tế, kể cả kỳ thi TPTH quốc gia, thậm chí đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, người ta cũng đều có thể gian lận, nâng điểm, chạy điểm…
Lại một mùa thi PTTH quốc gia nữa đến gần. Cùng với việc cần xử lý nghiêm những “con sâu” liên quan đến việc gian lận thi cử, không thể trì hoãn việc khẩn trương xem xét lại các quy trình của những kỳ thi hiện nay, để có một mùa thi đảm bảo sự minh bạch và an toàn.
Và quan trọng hơn cả, không làm niềm tin của thế hệ trẻ, gia đình và xã hội thêm một lần nữa vỡ vụn./.