Dư luận đang rất quan tâm đến việc nữ nhân viên cắt tóc mới học hết cấp 2, dùng bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến đến chức Trưởng phòng ở Đắk Lắk. Vụ việc đã được Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk xác nhận là có trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), chức vụ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) mới học hết cấp 2 nhưng lấy bằng cấp 3 của chị ruột là Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện là hộ lý, công tác tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên Đại học và đã học đến Thạc sĩ. Đồng thời, bà Thảo kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em).

Qua vụ việc này, có thể thấy có rất nhiều lỗ hổng trong công tác giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ cũng như công tác điều tra lý lịch, kết nạp Đảng. Trước hết, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã qua rất nhiều lần được giới thiệu, bổ nhiệm từ nhân viên lên đến Trưởng phòng. Khi bổ nhiệm một cán bộ phải trải qua nhiều khâu với quy trình bổ nhiệm rất chặt chẽ, trong đó có việc xác minh lý lịch ở nơi cư trú. Đặc biệt, quy trình kết nạp Đảng cũng phải trải qua nhiều khâu, trong đó quy trình điều tra lý lịch rất chặt chẽ. Thế nhưng, ngay ở cơ sở lại không phát hiện ra việc gia đình bà này có bao nhiêu người, vì sao có sự thay đổi tên trong lý lịch và tên gọi thường ngày, bà này học đến đâu, từng làm gì?

truong_phong_fbpf.jpg
Vụ nữ trưởng phòng dùng bằng của chị để thăng tiến (ảnh: VTCNews)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, nhân dân là “tai mắt” của Đảng. Nhân dân ở khắp nơi, chính vì vậy, họ là lực lượng giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên sát sao nhất. Cán bộ nào xấu, cán bộ nào tốt, ai làm việc gì hay, việc gì dở, nhân dân đều biết rõ ràng.

Và thực tế thời gian qua cũng đã cho thấy, rất nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xử lý đều được phát hiện từ “tai mắt” ở cơ sở. Vụ việc mượn bằng của bà Trần Thị Ngọc Thảo cũng chỉ được phát hiện khi có đơn nặc danh tố cáo bà này chưa học hết cấp 3 nhưng lấy bằng cấp 3 của chị ruột để thăng tiến. Vậy những gian dối của bà Trần Thị Ngọc Thảo liệu cán bộ cơ sở- “tai mắt của Đảng” có biết khi về điều tra lý lịch, hay có biết nhưng cố tình bỏ qua? Điều này dư luận rất cần làm rõ.

Thứ hai, trong cùng một gia đình, có 2 công chức cùng họ tên, cùng ngày tháng năm sinh, cùng một cha mẹ, cùng nơi cư trú, làm ở hai cơ quan được coi là trọng yếu của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và Tỉnh uỷ Đắk Lắk, vậy mà khi thẩm tra lý lịch Đảng, đề bạt, bổ nhiệm, người giới thiệu và cơ quan quản lý lại không có chút nghi ngờ? Dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi  có sự cố tình làm sai, cố tình nâng đỡ “không trong sáng” trong trường hợp này?

Sau lần bổ nhiệm đầu tiên từ nhân viên lên Phó phòng, công tác kiểm tra, điều tra đã lỏng lẻo, vậy trong các lần bổ nhiệm lên chức cao hơn, không có sự kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng hay mà mặc nhiên lý lịch là đúng? Ở đây có sự cẩu thả, tắc trách trong các khâu khi bổ nhiệm hay vẫn là sự cố tình làm ngơ của những người có trách nhiệm?

Tại cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí để thông tin kết quả xác minh đơn tố cáo đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chiều qua của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã khẳng định, rõ ràng có trách nhiệm của chi bộ, cơ quan thẩm tra xác minh hồ sơ lý lịch, quản lý cán bộ, có cả trách nhiệm của Chi bộ Đảng của Phòng Quản trị, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

Dư luận đang rất chờ đợi việc xử lý của tỉnh Đắk Lắk phải có địa chỉ rõ ràng, ai sai đến đâu sẽ xử lý trách nhiệm đến đó. Có như vậy, công tác cán bộ sau này mới hạn chế được những sai phạm nghiêm trọng như vừa qua. Chỉ khi những việc như thế này được quyết một cách minh bạch, đến cùng thì người dân mới tin vào bộ máy, tin vào chế độ./.