Theo nghĩa chung nhất, văn hóa là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong đời sống xã hội. Theo nghĩa hẹp, văn hóa được giới hạn theo từng lĩnh vực cụ thể hoặc theo không gian, thời gian. Lĩnh vực cụ thể như: văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh. Theo không gian như: văn hóa làng xã, văn hóa đô thị, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Nam bộ. Theo thời gian: văn hóa sơ kỳ, văn hóa phục hưng, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hòa Bình.

Văn hóa là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định toàn bộ hoạt động và phát triển của con người, cộng đồng, xã hội và của loài người. Văn hóa vừa có tính ổn định, vừa có độ mở. Bản sắc của cộng đồng, của dân tộc, của điều kiện tự nhiên - xã hội và thể chế chính trị quyết định tính ổn định của văn hóa. Độ mở của văn hóa do sự thay đổi trong đời sống xã hội và nhất là do tác động của thời cuộc, của thế giới trong quá trình hội nhập.

Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực để phát triển, vừa là mục tiêu cần xây dựng. Mục tiêu xây dựng là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm chỉ đạo đó xác đáng với thực tế và phù hợp với qui luật phát triển khách quan của văn hóa nên trong những thập kỷ qua, đặc biệt là trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, nền văn hóa của đất nước ta có những khởi sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể; đến lượt mình, nền văn hóa đã thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay trong khi thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của đời sống văn hóa, còn nhiều vấn đề nổi cộm. Thứ nhất là, bản sắc dân tộc của văn hóa chưa được giữ gìn và phát huy đúng mức. Có thể thấy rõ điều này qua lĩnh vực văn nghệ. Âm nhạc truyền thống hiện đang bị phai mờ dần trước sự ào ạt của những thể loại âm nhạc nước ngoài. Ngay cả “bài hát Việt” cũng có sự lai tạp ở đâu đó, ít thấy thuần chất Việt Nam. Chưa bao giờ thuần phong mỹ tục và văn hóa cộng đồng, làng xã, đô thị lại bị thách thức và bị tấn công như hiện nay. Thứ hai là, khi thực hiện một số chủ trương, chính sách phát triển văn hóa đã tỏ ra thiếu khoa học, thiếu cụ thể, “đánh trống bỏ dùi”, chỉ “đẻ” mà không “nuôi”. Cụ thể như việc ứng xử với các di tích lịch sử hoặc công nhận các danh hiệu văn hóa. Có nhiều di tích lịch sử được công nhận đang xuống cấp nghiêm trọng. Không chỉ Đường Lâm mà một số nơi khác nhân dân cứ tiếp tục xin trả lại các danh hiệu vì đời sống nhân dân ở những nơi này không những không được cải thiện mà còn khó khăn hơn. Thứ ba là, sự nở rộ và quá đà một số hình thức sinh hoạt văn hóa. Chưa bao giờ trên đất nước ta nở rộ nhiều lễ hội như bây giờ. Từ làng xã đến huyện, tỉnh, nơi nào cũng tổ chức nhiều các lễ hội, cả cũ và mới, tỉnh nào cũng có những lễ hội trang trọng được truyền hình trực tiếp rất hình thức và rất tốn kém. Cũng chưa bao giờ đời sống tâm linh lại sôi động như hiện nay. Giữa thật với giả, giữa đúng với sai, giữa tâm linh với mê tín dị đoan cứ tùy thích phát triển không có ai đứng ra xác định, chưa biết ứng xử thế nào. Thứ tư là, những nét tiêu biểu của văn hóa được xác lập mới chưa nhiều nhưng biểu hiện tụt hậu và băng hoại về văn hóa tỏ ra không ít.

Những vấn đề nêu trên là những vấn đề bức thiết không chỉ riêng ngành văn hóa mà toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội cùng tham gia tháo gỡ, xử lý. Giải quyết tốt các vấn đề đó nhất định xã hội sẽ ngày thêm hài hòa, văn minh và ngày càng phát triển./.